MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đấu giá mũ quan triều Nguyễn: Tránh tình trạng "chảy máu" cổ vật

Hải Ngọc LDO | 27/10/2021 09:33

Cổ vật có nguồn gốc Việt Nam không thể mua bán, trao đổi và để thừa kế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Mới đây, sự việc một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn còn nguyên vẹn nhất từ trước tới nay được Nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha) chuẩn bị đấu giá với giá khởi điểm 500 Euro đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Giá khởi điểm cho chiếc mũ này là 500-600 Euro. Phiên đấu giá chính thức sẽ mở lúc 16h00 ngày 28.10.2021 trên trang web invaluable.com. 

Bất ngờ là chỉ sau hơn 3 ngày kể từ khi thông tin được công bố (22 - 25.10) đã có người đặt 40.000 Euro, gấp 80 lần giá khởi điểm chiếc mũ.

Đây là phiên đấu nhận được sự quan tâm của đông đảo người yêu cổ vật Việt Nam trong và ngoài nước. Bởi đây là mũ quan văn triều Nguyễn kèm với hộp đựng mũ không những đẹp, tinh xảo mà còn nguyên vẹn nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết chỉ theo dõi và không tham gia đấu giá mũ quan triều Nguyễn ở Tây Ban Nha vì lý do giá quá cao. Vấn đề này cho thấy, chúng ta chưa có các chính sách phù hợp để “hồi hương” cổ vật đang lưu lạc ở nước ngoài.

Mũ quan văn triều Nguyễn đang được đấu giá ở Tây Ban Nha. Ảnh từ invaluable.com.

Trả lời báo Lao Động, Cục trưởng Cục di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền cho biết, Luật Di sản văn hóa năm 2001 công nhận và bảo vệ về các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa. Điều 5 quy định “Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.

Quyền sở hữu, quyền tác giả đối với di sản văn hóa được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Về Di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cũng được Luật Di sản văn hóa quy định tại Khoản 2, Điều 8 như sau: “Di sản văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo tập quán quốc tế và theo quy định của các điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.”

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước tham gia "Công ước UNESCO 1970 về Các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa". Công ước này là một công cụ pháp lý quan trọng để cộng đồng quốc tế nói chung và các nước thành viên tham gia công ước nói riêng có thể hạn chế, tiến tới ngăn chặn việc buôn bán trái phép tài sản văn hóa.

Xe kéo của vua Thành Thái tặng mẹ là một trong số ít những cổ vật “hồi hương” được qua hình thức đấu giá của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trong nhiều năm qua. Ảnh: LĐO

Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia Công ước UNESCO 1970 và để tránh “chảy máu” những cổ vật thuộc sở hữu nhà nước và những hình thức sở hữu khác, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật liên quan đã có những quy định cụ thể (Điều 43 Luật Di sản văn hóa; Luật Thương mại; các Nghị định và Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 02 Luật nêu trên…).

Theo đó, về cơ bản, các cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, thậm chí là các cổ vật có xuất xứ nước ngoài (trừ trường hợp tạm nhập khẩu - tái xuất khẩu) đều không thể mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thực tế, trải qua nhiều thế kỷ giao thương quốc tế, nhiều vật có nguồn gốc Việt Nam đang được lưu giữ ở nước ngoài, có trong những bộ sưu tập lớn với những hình thức sở hữu khác nhau hoặc được trưng bày tại các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới.

Cùng với các cuộc trưng bày cổ vật, bảo vật quốc gia do Việt Nam phối hợp với các nước tổ chức ở nước ngoài, đây chính là những minh chứng cho giá trị di sản văn hóa lâu đời của Việt Nam được giới thiệu cho cộng đồng quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn