MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Maika - cô bé đến từ hành tinh khác” - một tác phẩm mới của đạo diễn Hàm Trần do Cty BHD sản xuất. Ảnh: BHD

Để điện ảnh Việt hướng tới “chân, thiện, mỹ”

Việt Văn LDO | 28/02/2022 07:51

Trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sau hai hội nghị lấy ý kiến tại HN và TPHCM do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cuối tháng 2.2022 vừa qua, trước khi trình Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp tháng 5.2022, điều 9 trong dự thảo được nhiều đại biểu quan tâm. Đó là những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

Thêm mới cho nội dung

Trước đây điều 11 trong Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung 2009) về ­­­­Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh có nêu 4 điểm sau: Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Nay điều 9 trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) bổ sung và sửa đổi, thêm nhiều từ ngữ mới để phù hợp với xu thế, tốc độ phát triển của điện ảnh hiện nay.

Như khoản mục 1 khoản b có bổ sung việc cấm những phim gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; xúc phạm Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca... Cũng ở mục 1 có thêm việc cấm những phim “truyền bá tư tưởng phản động, tệ nạn xã hội; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội” (khoản c); “truyền bá, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan” (khoản d); “Kích động, xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; tuyên truyền, cổ súy cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bất hợp pháp (khoản đ)... và đáng chú ý còn có cấm những phim “Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái, thuần phong mỹ tục của dân tộc; trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa” (khoản h)...

Rõ ràng, tác động của phim ảnh đặc biệt là phim chiếu rạp có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và có thể làm gia tăng những giá trị tốt đẹp hoặc ngược lại làm băng hoại những nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội.

Vì thế những bộ phim quá bạo lực mô tả chi tiết những cảnh đánh đập, tra tấn, giết người man rợ... nhiều khi vô tình “vẽ đường cho hươu chạy” và đem lại một cái kết u ám nhất định phải loại bỏ. Tính nhân văn của mỗi bộ phim Việt phải được đề cao. 

Vấn đề bình đẳng tôn giáo được thể hiện trong chính sách nhất quán của Chính phủ cũng được thể hiện rõ trong dự thảo Luật Điện ảnh khi không thể chấp nhận những phim kích động và xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo..

Ngoài ra, hai khoản khác cũng rất đáng lưu ý khi dự thảo đã chú trọng bảo vệ quyền lợi của trẻ em và quyền bình đẳng giới.

Khi cấm những phim “Vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên” (khoản k) và “Vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới, định kiến giới, phân biệt đối xử về  giới (khoản i).

Không thể làm sai lệch nội dung đã cấp phép

Trong điều 9 mục 2 có nêu về việc nghiêm cấm thực hiện một số hành vi từ việc phát hành, phổ biến phim trên hệ thống rạp chiếu phim, truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có Giấy phép phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập, cấp Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình.

Việc phổ biến phim trên không gian mạng mà không tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại theo quy định của Luật cũng bị nghiêm cấm. Và đặc biệt khoản c nêu rõ cấm việc “Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng”.

Quy định này sẽ tạo hành lang pháp lý để xử lý nghiêm hiện tượng một số nhà làm phim dựng hai bản phim, một bản đi duyệt cấp phép trong nước, một bản đi dự các Liên hoan phim quốc tế. Hoặc giả bản xin cấp phép trong nước đã bị Hội đồng duyệt yêu cầu cắt, sửa một số chi tiết vì vi phạm Luật nhưng lại không cắt, sửa để nguyên đi dự LHP quốc tế. Điều này đã xảy ra với một số tác giả phim độc lập vài năm trở lại đây.

So với Luật Điện ảnh 2006 (sửa đổi, bổ sung 2009) thì dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) nay kín kẽ hơn, thêm nhiều nội dung và hành vi bị cấm hơn nhưng điều đó không làm cản trở sự sáng tạo của các nhà làm phim Việt, bởi lẽ mỗi nhà làm phim còn luôn mang trong mình trách nhiệm của công dân, làm sao đưa những giá trị nhân văn, tốt đẹp của con người Việt Nam ra thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn