MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khung cảnh hoang tàn ở Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành Bình

Để Hãng phim truyện Việt Nam không còn là “cánh đồng hoang”

Mi Lan LDO | 04/04/2024 08:38

Trả lời phóng viên Báo Lao Động xoay quanh vấn đề bị tạm hoãn xuất cảnh do công ty nợ thuế đất, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng Phim truyện Việt Nam) cho biết, Nhà nước cần sớm có giải pháp để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng bao năm qua ở hãng phim.

Kịch bản cổ phần hóa với những cú bẻ lái khó lường

Chính VIVASO - đơn vị mua lại 65% cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam vào năm 2016 - cũng không thể lường được những pha “bẻ lái” trong thương vụ này. Họ không ngờ khi tiếp quản đã nhận sự phản ứng gay gắt từ nhân sự hãng phim, để đến 8 năm sau, những mâu thuẫn, căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang đến mức không thể giải quyết.

Sau 8 năm với kịch bản cổ phần hóa hãng phim, cả nhà đầu tư và giới nghệ sĩ đều “sa lầy” trong những thiệt hại, mất mát cho cả hai phía. Khi nhân sự hãng phim là các nghệ sĩ kỳ cựu kêu cứu khắp nơi, nhà đầu tư cũng khẩn thiết muốn được thoái vốn.

Nghệ sĩ cho rằng, VIVASO chỉ nhắm đến đất vàng, than khóc khi bị cắt lương, bảo hiểm, phía VIVASO phản pháo lại, họ chưa động gì đến đất vàng đã phải chịu thiệt hại nặng nề, còn phải nộp thuế đất và trả nợ cho hãng phim suốt những năm qua. VIVASO cũng khẳng định, họ cắt lương, tiền bảo hiểm của một số nghệ sĩ do “những nhân sự này không làm bất cứ công việc gì, nhiều người còn đi làm cho bên ngoài”.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn được Nhà nước sớm giải quyết dứt điểm những tồn đọng ở hãng phim, vì càng kéo dài tình trạng này, chúng tôi càng thiệt hại. Kể từ khi tiếp quản hãng, chúng tôi phải thu xếp trả nợ thuế đất do hãng để lại là hơn 20 tỉ đồng. Vừa trả nợ xong thì Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thanh tra lại quá trình cổ phần, yêu cầu chúng tôi thoái vốn. Trong suốt mấy năm kéo dài đợi thoái vốn, chúng tôi không thể đầu tư, sản xuất, hay bỏ bất cứ khoản tiền nào vào cơ sở vật chất, máy móc kỹ thuật ở hãng... Do không có bất cứ hoạt động nào, nên hãng không có tiền để trả nợ thuế đất. Hiện, tôi sẽ phải vay tiền từ công ty mẹ để thu xếp trả khoản nợ này”.

Ông Danh Thắng mong muốn được giải quyết dứt điểm những tồn đọng ở hãng phim vì doanh nghiệp không muốn gánh chịu thêm những thiệt hại về tài chính. Ở phía nghệ sĩ, đạo diễn - NSND Thanh Vân cho hay: “Ngay cả khi Nhà nước muốn giải thể hãng phim, cũng cần phải minh bạch, rõ ràng”.

Lời kêu cứu kéo dài

Kể từ khi NSND Trà Giang bật khóc vì Hãng phim truyện Việt Nam rơi vào hoang tàn, đổ nát vào tháng 3.2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Chính phủ giải quyết dứt điểm những vấn đề kéo dài trong vụ cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, như ông Danh Thắng khẳng định: “Chúng tôi chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía các cơ quan Nhà nước”. Ông Danh Thắng cho rằng, VIVASO sẵn sàng tiếp tục đầu tư vào Hãng phim truyện Việt Nam, xây dựng chiến lược phát triển hãng, đầu tư cho việc làm phim.

“Nếu tiếp tục được đầu tư, chúng tôi sẽ thuê những đạo diễn giỏi, sẽ bỏ tiền đầu tư cho các dự án phim để ra rạp sinh lời. Từ đây, hy vọng sẽ góp phần phát triển điện ảnh, nhất là khi chúng ta đang bàn đến công nghiệp điện ảnh” - ông Danh Thắng nói.

Trong trường hợp không được tiếp tục đầu tư, phía VIVASO mong sớm được thoái vốn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm tìm được nhà đầu tư mới để VIVASO bàn giao lại, và tiến hành thoái vốn theo đúng quy định.

“Giống như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Giải phóng sau khi cổ phần hóa cũng nợ thuế 53 tỉ đồng. Trước những khó khăn của các hãng phim cổ phần, Nhà nước cần sớm tìm được giải pháp giải quyết triệt để, không nên để tình trạng cứ kéo dài như thế này” - ông Danh Thắng cho biết.

Để hồi sinh được những hãng phim vẫn phải cần đến tiền đầu tư từ các nhà đầu tư chiến lược. Kế hoạch đầu tư đến đâu, đầu tư như thế nào, lộ trình hồi sinh hãng phim ra sao, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý liên quan như Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể cùng nhau ngồi lại.

Thay vì, chỉ im lặng và để hãng phim biến thành “cánh đồng hoang”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn