MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng tại hội thảo khoa học về áo dài tại Huế mới đây. Ảnh: Phan Thanh Hải

Để Huế trở thành trung tâm thời trang áo dài của Việt Nam

Tường Minh LDO | 04/01/2023 09:50

Huế - Nhà thiết kế và nghiên cứu áo dài Sỹ Hoàng đề xuất các giải pháp để Huế trở thành một trung tâm thời trang của Việt Nam và khu vực với các loại hình áo dài và trang phục truyền thống.

Sỹ Hoàng là người đã tham gia giảng dạy, nghiên cứu và thiết kế áo dài trong hàng chục năm qua. Ông rất tâm huyết với công cuộc hồi sinh, phát triển và lan tỏa giá trị đặc biệt của chiếc áo dài Việt Nam.

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng tại hội thảo khoa học về áo dài tổ chức tại Huế. Ảnh: Phan Thanh Hải 

Cách đây vài năm, ông đã từng ra Huế đặt vấn đề xây dựng một Bảo tàng áo dài tại đây, vì ông cho rằng không thể có một nơi nào phù hợp hơn Huế để thực hiện công việc này.

Huế không chỉ là nơi sản sinh ra chiếc áo dài, mà còn phải là nơi gìn giữ, phát triển, lan tỏa mạnh mẽ áo dài. Áo dài sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo cố đô Huế cả về văn hóa, kinh tế, xã hội nếu chúng ta biết phát huy di sản đặc biệt này một cách phù hợp, đúng đắn.

Và mới đây trong một cuộc hội thảo về áo dài tại Huế, nhà thiết kế Sỹ Hoàng đã có những đề xuất có tính khả thi cao về việc khôi phục và phát huy các giá trị của áo dài Huế trong bối cảnh hiện nay.

Văn hóa công nghiệp thời trang trong Áo dài Huế

Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng, Huế phải trở thành một trung tâm thời trang của Việt Nam và khu vực với các loại hình áo dài và trang phục truyền thống.

Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng, Huế phải trở thành một trung tâm về thời trang áo dài của cả nước và khu vực. Ảnh: Phan Thanh Hải 

Đại diện cho thời trang Huế ngày nay là những khuôn mặt trẻ. Chính nhờ độ tuổi trẻ mà lực lượng lao động sáng tạo có khả năng học hỏi, tiếp thu nhanh chóng những xu hướng của thế giới, đồng thời nắm bắt được những tinh hoa của lịch sử văn hóa xứ Huế.

Bên cạnh đó cần xem trọng vai trò của các nhà nghiên cứu trong việc phổ biến kiến thức, làm cho xã hội hiểu đầy đủ cách mặc đúng áo dài, cách lựa chọn màu sắc, kiểu dáng thế nào là phù hợp. Phải vừa mặc đúng vừa mặc đẹp!

Các đài truyền hình có thể làm ngay những phim tài liệu mang tính học thuật, mời các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nhân chứng hiểu biết về áo dài, nhất là áo dài cung đình  để lưu lại tư liệu cho hôm nay và mai sau.

Yếu tố quan trọng khác là sự hậu thuẫn của lãnh đạo Huế dành cho các cuộc Hội thảo về áo dài thời trang tại Huế. Cần tiếp tục thúc đẩy để áo dài được công nhân là Quốc phục Việt Nam, tiến đến công nhận áo dài là di sản văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Tổ chức “Áo dài Fashion Week - Huế” hàng năm để những nhà thiết kế trong và ngoài nước tham gia.

Có chính sách tài trợ, hỗ trợ kinh phí cho những cá nhân, tổ chức làm công tác phục chế trang phục Cung đình Huế như ông Trịnh Bách đã từng làm, liên quan đến các nghệ nhân, làng nghề dệt, thêu, may... tại Huế và vùng lân cận.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, ghi nhận, tôn vinh những nhân vật đã từng hiểu biết về cung cách trang phục trong đời sống người dân Huế và Cung đình Huế.

Mời gọi các nhà thiết kế cả nước nghiên cứu từ các trang phục Cung đình Huế để phát triển thành sáng tạo mới cho thời trang Huế, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.

Tập trung kêu gọi các ngôi sao trong lĩnh vực nghệ thuật và thể thao có tầm ảnh hưởng của Huế và cả nước, đó đều là những nhân tố để quảng bá về thời trang trong những chương trình Lễ hội Áo dài Huế.

Kể chuyện di sản bằng âm nhạc và trang phục

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho rằng đây là cách tiếp cận mới rất cần cho Huế, để di sản áo dài được khai thác, phát huy tốt, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của Cố đô Huế.

Một hoạt động cộng đồng quảng bá áo dài tại Huế. Ảnh: Bảo Minh 

Tuy nhiên, để làm được điều này thì Huế cần có một địa điểm sinh hoạt, biểu diễn cố định và lâu dài. Cần có một đầu tư xứng tầm nội dung kịch bản, trình diễn quy mô kể câu chuyện lịch sử di sản văn hóa Huế bằng âm nhạc, và trang phục

Chính sách linh hoạt về cấp phép biểu diễn từ Sở Văn hóa và Thể thao. Chính sách về miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Chính sách về liên kết chặt chẽ từ Sở Du lịch, đến các công ty du lịch trong và ngoài nước.

Chính sách về học kỳ ngoại khóa cho sinh viên Huế về tìm hiểu văn hóa nghệ thuật từ Sở Giáo dục và Đào tạo, đến tất cả các trường từ cấp Tiểu học đến Cao đẳng, Đại học.

Chính sách về đưa các đoàn, nhóm biểu diễn nghệ thuật giới thiệu về sự kiện văn hóa Huế tại các nước, từ Bộ - Sở Ngoại vụ, các Tổng lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước...

Trao đổi với phóng viên Lao Động về những đề xuất của nhà thiết kế Sỹ Hoàng, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế - đơn vị chủ trì đề án "Huế - kinh đô áo dài" cho biết:

"Hầu hết các đề xuất của nhà thiết kế Sỹ Hoàng là phù hợp, có tính khả thi cao. Tuy nhiên để triển khai thì cần có sự quyết tâm rất lớn của chính quyền địa phương. Đặc biệt là các ngành, đơn vị được hưởng lợi trực tiếp như du lịch, dịch vụ  hệ thống khách sạn, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế...".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn