MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nghệ sĩ tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: Trần Vương

Để văn hóa không chỉ là “cờ, đèn, kèn, trống”

Anh Tuấn LDO | 04/03/2024 10:00

Sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà ở những con người có trí tuệ và phẩm giá. Những hiền tài “nguyên khí của quốc gia” mới có thể tạo ra đột phá đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách trong từng giai đoạn.

Văn hóa là tất cả những gì tồn tại xung quanh ta

Tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã có phát biểu đáng chú ý khi cho rằng: “Đầu tư văn hóa không phải chúng ta trồng khoai tây, khoai lang mà trồng tháng 1 đến tháng 4 có thể dỡ được khoai, mà phải mất hàng trăm năm”.

“Một người đi qua nơi công cộng, ném một bọc rác xuống đường chỉ mất 10 giây, nhưng phải mất hàng trăm năm để một người đi qua nhìn thấy bọc rác và tự động nhặt bỏ vào thùng rác. Cần thời gian đủ lâu để một nét văn hóa đẹp hình thành và bén rễ trong cộng đồng” - ông Nguyễn Quang Thiều kết luận.

Lâu nay tồn tại một luồng quan điểm chưa chính xác, xem văn hóa chỉ là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Nhưng thực ra văn hóa bao hàm rộng hơn thế!

Ông Lê Quốc Vinh - Tổng Giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê, một chuyên gia về truyền thông và văn hóa - cho biết, văn hóa là tất cả những gì tồn tại xung quanh chúng ta.

“Gia đình có văn hóa của gia đình, doanh nghiệp có văn hóa của doanh nghiệp. Bất kỳ tổ chức, cộng đồng nào khi hình thành là đã hình thành văn hóa trong đó, quy định những cách thức và hành vi ứng xử giữa những thành viên của tổ chức với nhau”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội - cũng đồng tình: “Văn hoá không phải là câu chuyện “cờ, đèn, kèn, trống”, không chỉ câu chuyện của giải trí, mà là câu chuyện của chính trị, kinh tế, sức mạnh mềm quốc gia tạo ra sự bản lĩnh, tự tin của dân tộc khi chúng ta hội nhập quốc tế”.

Chấn hưng văn hóa là trách nhiệm toàn xã hội

Chấn hưng văn hóa không phải là câu chuyện làm sao chúng ta dựng được một chương trình nghệ thuật đạt đến tầm vóc Olympic, một bộ phim đoạt giải Oscar hay sáng tác một ca khúc đoạt giải Grammy. Chấn hưng văn hóa là loại bỏ những cái xấu trong hành vi ứng xử hằng ngày của mỗi người Việt, thay vào đó những nét đẹp tinh tế, văn minh. Đó còn là câu chuyện của giáo dục và trồng người.

“Phát triển văn hóa, con người Việt Nam” chính là nội dung đầu tiên trong 10 nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

Và đó không phải là trách nhiệm của riêng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tất cả các bộ, ban, ngành đều phải thấy được trách nhiệm của mình trong công cuộc chấn hưng văn hóa.

Tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề cao yếu tố con người trong công cuộc chấn hưng văn hóa. Trong đó nhấn mạnh, sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà ở những con người có trí tuệ và phẩm giá. Chính đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, đặc biệt là những hiền tài - “nguyên khí của quốc gia” - giữ vai trò tiên phong, thắp lên những đốm lửa đổi mới, tạo ra những đột phá đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách trong từng giai đoạn.

Hiểu được vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong xây dựng con người thì mới có thể đưa ra các quyết sách đúng để công cuộc chấn hưng đạt kết quả như mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn