MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia Nhật bản và Viện Khảo cổ học khai quật bãi cọc Đồng Má Ngựa năm 2009. Ảnh: Ngô Đình Dũng

Đề xuất đưa 3 bãi cọc cổ Bạch Đằng năm 1288 vào hồ sơ Yên Tử

Nguyễn Hùng LDO | 14/05/2023 06:50

Quảng Ninh - Các nhà khoa học, chuyên gia đề xuất bổ sung di tích 3 bãi cọc cổ nổi tiếng của chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vào hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” (hồ sơ Yên Tử) trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản thế giới.

3 bãi cọc này là bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Má Ngựa, thuộc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Trong quá trình khảo sát, tư vấn để xây dựng hồ sơ Yên Tử, các nhà khoa học, chuyên gia thuộc đơn vị tư vấn đã thăm, tìm hiểu và phát hiện ra những giá trị đặc biệt di tích các bãi cọc cổ và cho rằng hoàn toàn có thể bổ sung cho hồ sơ Yên Tử.

UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang thống nhất xin ý kiến lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc bổ sung di tích các bãi cọc cổ thuộc chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 vào hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản thế giới.

Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật bãi cọc đồng Vạn Muối năm 2005. Ảnh: Ngô Đình Dũng

Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân Đại Việt, dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông không chỉ phá vỡ hoàn toàn âm mưu xâm lược Đại Việt, mà còn chặn đứng đường tiến công chinh phục châu Á của đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Sau chiến thắng lẫy lừng đó, vua Trần Nhân Tông nhường lại ngôi báu để lên núi Yên Tử đi tu và lập ra Thiền phái Trúc Lâm.

Được biết, các cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ học của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế từ năm 1958 đã phát hiện được 3 bãi cọc cổ lớn tại thị xã Quảng Yên.

Bãi cọc đầu tiên được phát hiện nằm trong đầm Nhử, phường Yên Giang, trong quá trình đào đắp đê Yên Giang năm 1958. Bãi cọc này rộng 120m2, với khoảng 300 cọc và được đặt trong phạm vi bảo vệ 7,5ha. Hiện, chỉ có bãi cọc này là để lộ thiên để phục vụ khách tham quan.

Bãi cọc thứ 2 là bãi cọc đồng Vạn Muối, có phạm vi bảo vệ rộng khoảng 56ha, nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, được người dân phát hiện trong quá trình canh tác, đào ao năm 2005, nằm cách bãi cọc Yên Giang vài km. Các cuộc khai quật khảo cổ học sau đó tìm thấy tổng cộng gần 200 cọc tại đây. Tuy nhiên, bãi cọc này sau đó lại được vùi lấp dưới lớp bùn để được bảo quản tốt hơn.

Cũng trong phường Nam Hòa, bãi cọc đồng Má Ngựa được phát hiện và tiến hành khảo sát, khai quật vào năm 2009, có phạm vi bảo vệ rộng khoảng 40ha. Bãi cọc này nằm cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1km về hướng Nam, với trên 200 cọc. Hiện, bãi cọc đồng Má Ngựa cũng nằm sâu dưới lớp bùn.

Được biết, hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc” là hồ sơ di sản đầu tiên trong cả nước, xây dựng trình UNESCO có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh, trải dài hàng trăm km2.

Đến nay, hồ sơ đề cử với 17 cụm di tích, 32 di tích đã cơ bản hoàn thiện, được xây dựng với khoảng 2.000 trang bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh; hàng trăm bản đồ, bản vẽ mô phỏng, hệ thống ảnh, clip tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.

Theo kế hoạch, vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.2023, các bên liên quan sẽ bảo vệ Hồ sơ trước Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Từ đó, sẽ hoàn thiện bản thảo Hồ sơ đề cử, Kế hoạch quản lý di sản và các thành phần phụ lục trình UBND, sau đó báo cáo Ban Thường vụ 3 tỉnh và Ban Chỉ đạo, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 30.7.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn