MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc chùa Đại Tuệ. Ảnh: Huyền Linh

Đến Đại Tuệ, học thảnh thơi, tìm hạnh phúc

Huyền Linh LDO | 13/02/2024 08:08

Tôi lên chùa Đại Tuệ vào cuối vụ hồng. Người bán hàng ngay cổng chùa không quên mời tôi thứ trái cây đặc sản ở Nam Đàn này. Hồng cũng rất ngon nhưng điều tôi cảm nhận rõ nhất không phải phải vị ngọt trái cây mà là sự tĩnh lặng, thảnh thơi.

Gọi là “lên chùa” vì Đại Tuệ nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi Đại Huệ với độ cao gần 500m so với mực nước biển trong một không gian tĩnh lặng, cảnh vật thơ mộng mang lại cảm giác thanh tịnh với những ai hành hương đến chùa.

Để lên đến nơi phải qua một con đường hơn 5km đường dốc quanh co. Người bạn đồng hành, quê Nam Đàn chính hiệu, kể với tôi rằng: Tương truyền chùa Đại Tuệ có từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân xâm lược nhà Đường (năm 627 sau CN). Đến thế kỷ thứ XV, ngôi chùa được vua Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật bà Đại Tuệ - Phật Mẫu Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa (nghĩa là Trí tuệ lớn). Đây là vị thần có công phù hộ cho nhà Hồ xây thành đắp lũy trên núi Đại Huệ để chống giặc Minh xâm lược nước ta.

Cách đây 235 năm, khi vua Quang Trung hành quân ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 có nghỉ tại đây. Tương truyền, trong một đêm ngủ say, nhà vua mơ thấy Phật Bà về chỉ cho cách xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Đồng thời cũng là nơi để tăng ni, Phật tử tụ tập dâng hương thờ Phật.

Cùng năm đó, vua Quang Trung ra lệnh cho quân sĩ cấp tốc lên đường tiến quân ra Thăng Long. Để rút ngắn thời gian hành quân. Quang Trung cho quân sĩ vượt qua dãy Đại Huệ, tiến thẳng ra Bắc. Nhà vua đã cho quân sĩ, dừng chân nghỉ tại đỉnh núi, vào chùa Đại Tuệ dâng lễ vật hương hoa lên bàn thờ Phật gia hộ cho quân sĩ hành quân thần tốc ra kinh thành đánh tan 30 vạn quân Thanh.

Lúc này vua và các tướng lĩnh đang đau đầu không biết làm sao để tiến ra Bắc nhanh nhất thì được nhà sư trụ trì chùa Đại Tuệ đã dẫn vua Quang Trung lên đỉnh núi cao nhất (nơi có bàn cờ bằng đá) chỉ đường tắt ra kinh đô, đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long, thống nhất đất nước. Khi chiến thắng trở về, Hoàng đế Quang Trung nhớ ơn chỉ đường đã xuống chiếu cắt 20 mẫu đất cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng quanh năm…

Chùa cổ Đại Tuệ thờ Phật Bà Đại Tuệ tức là đại diện cho trí tuệ của Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiến, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật bà Đại Tuệ.

**

Chùa Đại Tuệ đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.

Ấn tượng không chỉ là những câu đối thuần Việt mà những lời răn dạy trên đó về đạo, về lẽ sống, về sự học. Tôi gặp Phương, một cô gái trẻ ở Vinh lên Đại Tuệ vãn cảnh. Hỏi sao đi một mình, Phương nói: “Cuộc sống bây giờ nhiều áp lực quá, mỗi lần lên Đại Tuệ em lại thấy thảnh thơi vô cùng. Vì thế cứ rảnh em lại lên”.

Tôi tìm thấy hai chữ “thảnh thơi” viết bằng thư pháp ở nhiều nơi tại chùa Đại Tuê và dừng chân ở một khu vườn nhỏ với tấm biển lớn trên cổng: Tập sống thảnh thơi. Sống thảnh thơi cũng phải tập sao?

Sách Phật dạy đại ý thế này: Thảnh thơi là tên gọi khác của thiền, buông thư, thư giãn, hiện hữu ở hiện tại. Nếu như bạn có thể thảnh thơi, rất nhanh chóng bạn sẽ thấy thân thể của bạn hồi phục, trái tim cũng hồi phục. Toàn bộ xã hội được xây dựng hướng theo việc phục vụ cho công việc, nó rất tham công tiếc việc. Nó không muốn bạn học cách thảnh thơi, cho nên từ rất sớm bạn đã được huấn luyện để không được thảnh thơi.

Bạn sẽ ngạc nhiên, nếu bạn có thể dành ra 1-2 tiếng mỗi ngày để thảnh thơi, nó sẽ cho bạn một sự sáng suốt rất sâu sắc. Giống như vũng nước đục sau khi bị khuấy tung được phép thảnh thơi để bùn và bụi lắng xuống, đủ thời gian, nước sẽ trở nên trong veo, sạch sẽ.

Cho phép bản thân thảnh thơi, bạn sẽ thu được sự sáng suốt và sự sáng suốt này sẽ thay đổi hành vi của bạn ở bên ngoài nữa. Bạn sẽ trở nên bình thản hơn, yên tĩnh hơn.

Thảnh thơi không phải lười biếng. Người lười nhìn cũng có vẻ thảnh thơi bên ngoài, nhưng bên trong – tâm trí người đó đang nghĩ về đủ thứ, làm đủ việc và kể cả du hành rất xa xôi nơi họ đang ở hiện tại.

Người thảnh thơi thực sự không chỉ thân thể được thư giãn thảnh thơi mà cả tâm trí của người đó nữa. Tâm trí người đó cũng tận hưởng hiện tại. Nó không du hành về quá khứ hay tương lai. Ngay cả trái tim của người đó cũng được thảnh thơi.

Chỉ khi bạn thảnh thơi trên cả ba tầng này: thân thể, tâm trí, trái tim – thì đó mới là thảnh thơi thực sự.

Nếu như bạn có thể thảnh thơi, rất nhanh chóng bạn sẽ thấy thân thể của bạn hồi phục, trái tim cũng hồi phục. Bạn có thể thấy thông minh của bạn cũng được phục hồi. Bạn suy nghĩ thấu đáo hơn, nhìn sâu hơn vào bản chất mọi sự, công việc của bạn cũng nhờ đó hồi phục rất nhanh.

Đỉnh cao của việc học kiến thức là sự hiểu biết.

Đỉnh cao của hiểu biết là sự khôn ngoan.

Đỉnh cao của khôn ngoan là sự thông tuệ.

Và đỉnh cao nhất của thông tuệ, là trí huệ.

Người trí huệ, kì lạ thay, lại là người rất ngây thơ và thảnh thơi!”

**

Phía dưới bức tượng tạc vị La Hán Khoái Nhĩ có hai câu đề khắc lên đá: “Tai nghe muôn tiếng khổ sầu/ Được mất… mặc kệ, lo âu mà gì”. Ảnh: Huyền Linh

Khi đi ngang qua pho tượng bằng đá ngay sân chùa Đại Tuệ, đó là bức tượng tạc vị La Hán Khoái Nhĩ, tôi thấy hai câu đề khắc lên đá: “Tai nghe muôn tiếng khổ sầu/ Được mất… mặc kệ, lo âu mà gì”.

Không âu lo để sống thảnh thơi, tưởng dễ mà khó lắm thay. Chợt nhớ mấy câu của thầy Thích Nhất Hạnh: “Mỗi sáng thức dậy tôi lại mỉm cười và hai mươi tư tiếng hạnh phúc sẽ ở ngay trước mắt tôi. Tôi nguyện sống trọn vẹn ý nghĩa cho từng giây và nhìn mọi điều bằng áпh mắt từ bi” và “Những hạt giống khổ đau trong ta có thể còn rất lớn, nhưng đừng đợi cho đến khi không còn khổ đau mới cho phép mình hạnh phúc”, “Hạnh phúc là khi chúng ta được sống đúng với chính mình.

Bạn không cần người khác phải thừa nhận điều đó, chỉ cần bạn hiểu và hạnh phúc là đủ đầy”…

Đến Đại Tuệ, tìm sự thảnh thơi, để nhận ra hạnh phúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn