MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhạc sĩ Văn Cao lúc sinh thời. Ảnh: Gia đình cung cấp

Di sản của Văn Cao trong âm nhạc, thơ ca, hội họa

Huyền Chi LDO | 08/11/2023 16:03

Sáng 8.11, báo Nhân Dân kết hợp Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20. 

Hội thảo gồm 20 tham luận và các ý kiến của diễn giả, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về những phẩm chất, tài năng xuất chúng của Văn Cao; lý giải mạch nguồn làm nên phẩm chất, tài năng ấy.

Các ý kiến cũng nhằm làm rõ, phân tích, đánh giá những đặc điểm và những giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, phong cách trong các sáng tác của Văn Cao qua các giai đoạn sáng tạo nghệ thuật của ông về âm nhạc, hội họa, thơ ca; để thấy rõ hơn đâu là tài năng thiên bẩm, đâu là kết tinh của nỗ lực miệt mài học hỏi, sáng tạo, đổi mới, dấn thân của Văn Cao cho nghệ thuật, cho văn hóa, văn nghệ nước nhà.

Tại hội thảo, họa sĩ Văn Thao - con trai nhạc sĩ Văn Cao hé lộ về tình bạn của cha và nhạc sĩ Phạm Duy. Nhiều câu chuyện, hồi ức của những người thân cận với nhạc sĩ Văn Cao lúc sinh thời cũng được chia sẻ.

Đó là những lần gặp gỡ của nhạc sĩ Thanh Thảo với nhạc sĩ Văn Cao mỗi lần ra Hà Nội, đó là khi Thanh Thảo cùng Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha tham gia biên tập bản thảo tập thơ "Lá" cho Văn Cao. Đó là những di nguyện của nhạc sĩ Văn Cao khi hiến tặng bản quyền Quốc ca cho Tổ quốc. GS Phong Lê đánh giá, như di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền Quốc ca cho Tổ quốc, là một nghĩa cử vĩ đại.

Đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao tham gia Hội thảo khoa học “Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao”. Ảnh: Ban tổ chức

Trong tham luận, PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương viết: "Văn Cao được tiếp xúc với âm nhạc phương Tây từ nhỏ, khi học tại Trường Bonnal, sau học tại Trường dòng Saint-Joseph (Hải Phòng).

Bài hát đầu tiên của ông là “Buồn tàn thu” (1939), được viết khi ông mới 16 tuổi. Điều đặc biệt là tuy học nhạc phương Tây nhưng Văn Cao ít chịu ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Pháp mà hướng giai điệu các bài hát của mình gần với âm nhạc dân tộc, màu sắc ngũ cung, lấy chất liệu từ chèo, quan họ, xẩm, ca trù... để sáng tác những ca khúc đầu đời như “Thu cô liêu”, “Suối mơ”, “Trương Chi”, “Thiên Thai”.

Cuối năm 1944, Văn Cao gặp lại Vũ Quý - một cán bộ cách mạng và được thuyết phục tham gia Việt Minh. Với nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một ca khúc, Văn Cao đã viết những khuông nhạc hành khúc đầu tiên trong những ngày tại căn gác số 171 phố Mongrant và đặt tên cho tác phẩm là Tiến quân ca. “Tiến quân ca” được in trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập tháng 11.1944.

Ngày 13.8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt “Tiến quân ca” làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhạc sĩ Văn Cao trở thành tác giả của quốc ca đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những gương mặt quan trọng nhất của tân nhạc, một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất trong nền âm nhạc Việt Nam thời kỳ này".

Suốt sự nghiệp, nhạc sĩ Văn Cao sáng tác nhiều ca khúc lãng mạn, trữ tình như "Bến xuân", "Suối mơ", "Thiên thai", "Trương Chi", "Thu cô liêu", "Cung đàn xưa"… Trong lĩnh vực thơ ca, năm 17 tuổi, ông viết "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế", "Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc"...

Về hội họa, năm 19 tuổi, ông dự học không liên tục ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng năm 20 tuổi ông đã có các bức tranh gây chú ý, như: "Cô gái dậy thì", "Sám hối", "Nửa đêm", nhất là bức tranh "Cuộc khiêu vũ của những người tự tử"…

Những bản nhạc của Văn Cao như "Buồn tàn thu", "Suối mơ", "Thiên thai", "Trương Chi"... được in ra đều do ông trình bày bìa và đi rất gần với trường phái lập thể. Ông viết hàng trăm bức tranh minh họa và thiết kế bìa sách.

"Hành trình sáng tác của Văn Cao cho thấy trong ông, cách mạng và cách mạng văn nghệ luôn là hai nửa không thể tách rời của một cuộc đời sáng tạo. Theo đó, chống lại sự bảo thủ, với ông, cách mạng phải được chuyển hoá thành cách mạng thơ và cách mạng văn nghệ”, PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn