MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trình xây dựng trái phép giữa khu di sản Tràng An. Ảnh: BĐ

Di sản Tràng An bị xâm phạm: Phải kiên quyết phá dỡ công trình trái phép

BÍCH ĐÀO LDO | 24/03/2018 16:00
2.000 bậc cầu thang với hơn 1 cây số đường bêtông bỗng dưng mọc lên giữa di sản Tràng An, Ninh Bình, nơi nhiều năm nay vẫn được xem là di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận.

Sự việc chỉ được phát hiện khi công trình sai phạm này đã được hoàn thành và đi vào hoạt động. Nhiều người ví vui đây là sự việc hy hữu kiểu “con voi chui lọt lỗ kim”.

Theo GS Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia - sai phạm tại di sản Tràng An là điều quá xót xa. Ông cho biết, việc tháo dỡ chắc chắn sẽ để lại những ảnh hưởng nặng nề đến khu di sản này.

“Cả một công trình lớn như thế, xây dựng trong thời gian dài mà các cấp chính quyền cho rằng không phát hiện được thì đó là điều khó tin. Hiện tại, các cá nhân và đơn vị liên quan đến sai phạm không nên thanh mình nhiều mà tiến hành công tác tháo dỡ, khắc phục. Phải lựa chọn những kiến trúc xây dựng tốt để tránh làm ảnh hưởng đến di sản trong quá trình phá bỏ” - ông nói.

Chuyên gia di sản cũng cho rằng, mỗi năm UNESCO đều tiến hành kiểm tra và có thể rút khỏi danh sách nếu quốc gia nào có những vi phạm về công ước do UNESCO đề ra. Vì thế, ông bày tỏ lo lắng trước công trình trái phép ở Tràng An.

Theo PGS-TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam - công trình trái phép tại di sản Tràng An đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản.

“Nguyên nhân bắt nguồn từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. 2.000 bậc cầu dài mấy cây số thì không thể là cái kim mà bảo là có thể giấu kỹ không ai phát hiện được. Đây là vi phạm cả về Luật Di sản văn hóa và Công ước quốc tế. Ảnh hưởng đến uy tín quốc gia chứ không chỉ địa phương”.

Chuyên gia di sản cho biết thêm, khi chúng ta đưa Tràng An vào danh sách di sản quốc gia thì cả quốc gia đều phải có trách nhiệm giữ gìn, quản lý. Trong đó, liên quan đến việc xây dựng công trình trái phép thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về chính quyền địa phương. Giải pháp phải thực hiện ngay là phải tháo dỡ lập tức công trình này.

“Luật Xây dựng quy định cấp xã, phường quản lý. Công trình nào mọc lên trên địa bàn thì phòng quản lý xây dựng ở cấp đó phải nắm được. Đối với sai phạm ở di sản Tràng An, theo tôi được biết thì cơ quan nhà nước đã có công văn gửi rồi nhưng không được. Xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe” là hỏng rồi” - ông nói.

Theo chuyên gia, trên thế giới, vẫn có sai phạm xảy ra ở các công trình di sản. “Vấn đề là, khi xảy ra sai phạm thì chúng ta phải kiên quyết xử lý. Phải minh bạch thông tin, báo cáo nghiêm chỉnh. Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải nhanh chóng và kiên quyết phá dỡ công trình trái phép ở Tràng An trước khi diễn ra cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.2018”.

Đây là cuộc họp thường niên của Ủy ban Di sản Thế giới và có sự tham gia của Việt Nam nhiều năm nay. Tại cuộc họp năm nay, chúng ta nên báo cáo sự việc, thừa nhận sai sót. Tuy nhiên, nếu việc khắc phục sai phạm diễn ra quyết liệt, tốt đẹp thì sẽ lấy lại được uy tín, hình ảnh.

PGS-TS Đặng Văn Bài tiết lộ, khoảng năm 2001, ông và nhiều đồng nghiệp đã tham vấn cho Bộ VHTTDL phá dỡ 36 chùa giả ở khu di tích Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội). “Vì thế, đối với công trình trái phép tại Tràng An hiện nay, không có gì là phức tạp. Vấn đề là chúng ta cần kiến quyết” - ông nhấn mạnh.

Trước đó, thanh tra Bộ VHTTDL cũng đã yêu cầu phá bỏ công trình xây dựng trái phép trong di sản Tràng An đồng thời sẽ giám sát quá trình tháo dỡ này.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định, Tràng An (Ninh Bình) là di sản UNESCO thế giới đầu tiên của Việt Nam đạt hai tiêu chí về thiên nhiên và văn hóa. Đây là di sản lớn của đất nước. Về mặt quản lý, ngoài thực hiện theo Luật Di sản, Việt Nam còn phải chịu sự điều tiết của Công ước quốc tế.

“Công trình xây cầu xuyên lõi khu di sản thuộc thẩm quyền xử lý của lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình và UBND huyện Hoa Lư. Hiện tỉnh Ninh Bình đã vào cuộc xem xét xử lý. Bộ đang đợi báo cáo của địa phương về việc xử lý công trình đó ra sao. Bộ Văn hóa sẽ giám sát việc xử lý công trình xây dựng sai phép trong khu di sản của địa phương. Trước đó, Thanh tra Bộ đã chỉ rõ vi phạm rồi. Tỉnh dứt khoát phải làm nghiêm” - Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nói.

Trước đó, một công trình “khủng” với quy mô lớn đã ngang nhiên mọc lên không phép trong khu di sản Tràng An. Chủ xây dựng là Công ty CP Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm giám đốc đã tự ý khoan một phần núi Cái Hạ để dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống đỉnh núi. Công trình này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Dự án được Cty xây dựng gọi là đường lên đỉnh Huyền Vũ, được hoàn thành và đưa vào khai thác từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn