MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn nhà xưa ông Hai Thái hoang tàn, xuống cấp vì không có đơn vị quản lý. Ảnh: Hữu Long

Di tích, công trình lịch sử ở Khánh Hòa xuống cấp nghiêm trọng

Hữu Long LDO | 07/06/2024 06:00

Nhiều di tích, công trình lịch sử trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng do sự quản lý thiếu đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước.

Chưa phát huy được giá trị lịch sử

Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Đình Thái, người dân thường gọi ông Hai Thái. Ông vốn là người gốc xã Vĩnh Trung (Nha Trang), lên khu vực xã Suối Tiên (huyện Diên Khánh) để khẩn hoang lập ấp và có công khai phá, dẫn nước về tưới cho đồng ruộng. Để ghi nhớ công ơn, hằng năm đến ngày 17 tháng Chạp, người dân vẫn cúng tế ông tại đây.

Khác với hình ảnh hoài cổ trước đây, hiện xung quanh căn nhà xưa ông Hai Thái hoang tàn, xuống cấp vì không có đơn vị quản lý. Khuôn viên căn nhà cỏ mọc um tùm, tường rào, cây cối, mái ngói xung quanh mục nát, ngã đổ hàng loạt.

Vào năm 2008, tỉnh Khánh Hòa giao khu nhà này cho Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang tiếp quản, trùng tu, tôn tạo thành điểm tham quan du lịch. Cuối năm 2023, sau thời gian dài khai thác du lịch nhưng không mang lại hiệu quả, khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang chính thức trả lại nhà cổ ông Hai Thái cho chính quyền huyện Diên Khánh quản lý. Thời điểm dời đi, doanh nghiệp này tháo dỡ, vận chuyển những hạng mục, kiến trúc đã đầu tư tại khu vực nhà cổ.

Riêng căn nhà xuống cấp và khu vực đất xung quanh được doanh nghiệp bàn giao cho chính quyền huyện Diên Khánh, xã Suối Tiên quản lý. Cũng từ thời gian đó đến nay căn nhà này không có người quản lý hoặc trông coi nên nhanh chóng xuống cấp.

Ngay giữa trung tâm thành phố Nha Trang cũng xuất hiện tình trạng di tích xuống cấp, không được trùng tu bài bản. Đó là 5 căn biệt thự di tích tại dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Trải qua hơn 10 năm Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại triển khai, đến năm 2023, chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã chính thức tiếp nhận lại 5 căn biệt thự cổ từ tay doanh nghiệp thực hiện dự án, để có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Tuy nhiên, đến nay khu vực thi công gần như ngổn ngang bởi những khoảnh đồi núi bị đào bới tạm bợ, nham nhở. Một số công trình mới chỉ được xây thô rồi bỏ hoang. Chưa hết, bên ngoài dự án được chủ đầu tư quây tôn nên người dân, du khách không thể vào để tham quan các căn biệt thự cổ.

Đây là một điều đáng tiếc bởi những biệt thự này là cụm công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo do người Pháp xây dựng. Đáng tiếc hơn nữa là đến nay địa phương và cả doanh nghiệp làm dự án vẫn không thể phát huy được giá trị của khu vực di tích này trong việc giáo dục và bảo tồn một cách bài bản.

Đừng để nước đến chân mới nhảy

Liên quan đến công trình nhà cổ ông Hai Thái, mới đây ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đã giao cho UBND huyện Diên Khánh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, đồng thời nghiên cứu, có giải pháp bảo quản, tu bổ, phục hồi để phát triển thành điểm du lịch sinh thái.

Được biết, đến hết năm 2023, toàn tỉnh Khánh Hòa có 16 di tích cấp quốc gia, 180 di tích cấp tỉnh và 34 di tích đã tiến hành kiểm kê (chưa xếp hạng).

Về công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn thu công đức tại di tích Tháp Bà Ponagar, nguồn thu phí tham quan để tu bổ, tôn tạo các di tích, danh thắng đã xếp hạng bị xuống cấp.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Khánh Hòa, hiện công tác tu bổ, tôn tạo di tích vẫn còn nhiều khó khăn bởi các di tích được xếp hạng phân bố rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Về kinh phí tu bổ các di tích, hiện ngoài TP Nha Trang đã có kế hoạch đầu tư tu bổ cho các di tích, còn lại các địa phương khác chưa có ngân sách hỗ trợ. Trong khi đó, mỗi nguồn hỗ trợ tu bổ của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh sẽ rất khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn