MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Di tích quốc gia đình Cung Chúc đang có dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: Hoàng Khôi

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia cứ mưa là ngập ở Hải Phòng

Hoàng Khôi LDO | 16/06/2024 07:06

Đình Cung Chúc nằm ở thôn Cung Chúc xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, là di tích đầu tiên của huyện Vĩnh Bảo được công nhận là Di tích quốc gia. Hiện nay, đình có dấu hiệu xuống cấp khi hệ thống mái lớp ngói mũi hài đã bị xô nghiêng khiến ngôi đình hễ mưa là lụt, có thời điểm nước ngập cả bàn chân.

Mái đình xuất hiện hàng chục điểm dột nước

Theo một số cụ cao niên trong làng, đình Cung Chúc được xây dựng từ thời Lê, hiện thờ 4 vị Thành Hoàng: Thuần Chính, Thanh Tĩnh Long, Quý Minh, Hải Khẩu Đại Bàng là các vị thần có công với dân, với nước. Đình nổi tiếng với kiến trúc tứ diện đồng tứ trên diện tích gần 4.000 m2. Đình làm hoàn toàn bằng gỗ lim, gồm các hàng cột đỡ các bộ vì liên kết, mộng chốt theo kiểu chồng rường - giá chiêng, chạm khắc hoa văn cầu kì, tinh xảo. Hệ thống cửa đình làm bằng gỗ lim theo kiểu thượng xong hạ bản, nền lát gạch Bát Tràng, mái lợp ngói mũi hài. Góc mái là các đầu đao cong vút, thanh thoát. Bờ lóc đắp những con nghê gốm bằng đất nung rất đẹp, đạt đến trình độ kỹ thuật cao.

Vẻ đẹp đình Cung Chúc - Di tích quốc gia duy nhất nằm trên địa bàn xã Trung Lập. Ảnh: Hoàng Khôi

Trước đây, do ảnh hưởng của thời tiết và chiến tranh tàn phá, ngôi đình đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Phần đại đình và tả mạc, hữu mạc bị đổ nát, còn duy nhất tòa hậu cung. Đến năm 1997, nhân dân địa phương xây dựng lại tòa Đại bái bằng bê tông cốt thép để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của nhân dân.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, năm 2010, nhà nước đã đầu tư trên 23 tỉ đồng để phục dựng tòa đại bái, hậu cung và tả - hữu mạc, nhà khách, làm lại cổng chính, bình phong, miếu thờ ông Ba Mươi, tôn tạo sân đình, đường nội bộ, tường bao, kè hồ nước trước sân đình nhằm bảo tồn lâu dài di sản văn hóa quý giá của dân tộc.

Mặc dù được đầu tư khang trang, song đến nay đình đã có dấu hiệu xuống cấp. Theo bà Loan, người dân trông coi đình, thời gian gần đây, mỗi khi trời mưa là đình lại ngập nước. Như trận mưa lớn mới đây ngày 8, 9.6, trong đình xuất hiện hàng chục điểm dột nước, vợ chồng bà Loan phải huy động toàn bộ xô, chậu để hứng nước. Tuy nhiên do mưa lớn kéo dài nên đình vẫn bị ngập.

Sớm tu bổ theo nguồn xã hội hóa

Liên quan đến tình trạng này, chiều 13.6, trao đổi với Lao Động, ông Lâm Xuân Thư – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lập, kiêm Trưởng ban quản lý các di tích xã cho biết: Cách đây hơn 10 năm, đình được nhà nước phục dựng rất nhiều hạng mục với kinh phí hơn 20 tỉ đồng. Tuy nhiên gần đây, di tích này có dấu hiệu xuống cấp, nhất là phần mái đình. Trước đây, mái đình xếp theo kiểu mái chồng mái, nên theo thời gian, mái ngói xô nghiêng dẫn đến nước tràn vào đình mỗi khi trời mưa.

“Như trận mưa ngày 8, 9.6 vừa qua, người dân phản ánh nước dột vào trong đình ngập đến mắt cá chân, ảnh hưởng hệ thống đồ thờ tự” – ông Thư cho biết.

Theo người dân trông coi di tích, thời gian gần đây, mỗi trận mưa là đình xuất hiện hàng chục điểm dột nước. Ảnh: Hoàng Khôi

Trước tình trạng di tích có dấu hiệu xuống cấp, xã cũng đã báo của UBND huyện. Sau đó, huyện cũng đã có đoàn khảo sát tại di tích này. Hiện nay, chính quyền xã đang đề nghị cơ quan chức năng sớm phê duyệt để địa phương tu bổ, tôn tạo 800 m2 mái đình bằng nguồn kinh phí xã hội hóa khoảng 300-500 triệu đồng. Khi được cơ quan chức năng phê duyệt, xã sẽ mời nhà tư vấn, lập tổ giám sát thi công, phấn đấu tu bổ trong mùa khô (tháng 8, 9) để khắc phục tình trạng dột nước, hạn chế ảnh hưởng đến đồ thờ cũng như các hạng mục khác. Ngoài ra, xã cũng đang làm biển chỉ dẫn vào di tích, giúp người dân thuận lợi tham quan, dâng hương tại di tích này.

Cũng theo lãnh đạo UBND xã Trung Lập, đình Cung Chúc là di tích quốc gia duy nhất trên địa bàn xã. Ngoài ra, xã còn 2 di tích cấp thành phố là đình chùa An Dương và đình Áng Ngoại hiện cũng đã xuống cấp, cần được tu bổ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn