MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bia tưởng niệm những anh hùng ngã xuống trong Sự kiện Ninh Thạnh Lợi năm 1927 do Hội Nông dân Việt Nam dựng, đến nay không còn nhìn rõ chữ. Ảnh: Nhật Hồ

Di tích xuống cấp, Giám đốc Sở Văn hoá yêu cầu UBND huyện rút kinh nghiệm

NHẬT HỒ LDO | 16/07/2023 17:02

Bạc Liêu - Khi bị chất vấn về việc di tích lịch sử văn hóa xuống cấp, nhiều hạng mục cỏ mọc um tùm, không ai trông coi…, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đề nghị UBND huyện nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Di tích sự kiện lịch sử Ninh Thạnh Lợi được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa vào năm 2006. Hiện di tích cấp tỉnh này đang có dấu hiệu bị bỏ hoang, không có hiện vật tại nhà trưng bày, cỏ dại và cây cối mọc um tùm tại khu mộ các nghĩa quân tử trận và trong khuôn viên; cổng, hàng rào bị rong rêu, không có người trông coi chăm sóc, bảo vệ di tích.

Di tích lịch sử văn hóa Sự kiển Ninh Thạnh Lợi được đầu tư xây dựng Sở Văn hóa Thể thao Du lịch đầu tư nhiều hạng mực vào năm 2021. Ảnh: Nhật Hồ

Bức xúc về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Thoại chất vấn UBND tỉnh về trách nhiệm quản lý cũng như giải pháp để bảo vệ, khai thác di tích tại kỳ họp HĐND lần thứ 10, tỉnh Bạc Liêu.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho biết, di tích được phân cấp cho UBND huyện Hồng Dân trực tiếp bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương đề nghị UBND huyện Hồng Dân nghiêm túc rút kinh nghiệm vì để di tích xuống cấp. Ảnh: Nhật Hồ

Năm 2021, UBND tỉnh Bạc Liêu giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cải tạo di tích với nhiều hạng mục: Xây dựng nhà trưng bày, hàng rào, đường nội bộ, nâng cấp khu mộ… Sau khi nghiệm thu, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch giao cho UBND huyện Hồng Dân tiếp tục quản lý khai thác theo quy định về phân cấp quản lý di tích.

Bia tưởng niệm các chiến sĩ ngã xuống trong Sự kiện Ninh Thạnh Lợi do Hội Nông dân Việt Nam lập. Ảnh: Nhật Hồ
Và hiện trạng sau khi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu trùng tu vào năm 2021. Ảnh: Nhật Hồ

Về việc chưa bố trí người trông coi chăm sóc di tích là do chưa có sự thống nhất của địa phương và gia đình ông Trần Kim Túc (Chủ Chọt). Bởi, phần đất di tích do gia đình ông Túc hiến tặng nên mong muốn tham gia trực tiếp bảo vệ và chăm sóc di tích.

Không người trông coi, di tích trùng tu xây dựng hoành tráng rồi để đó. Ảnh: Nhật Hồ

"Đề nghị UBND huyện Hồng Dân nghiêm túc rút kinh nghiệm và khẩn trương làm việc với gia đình ông Trần Kim Túc để thống nhất bố trí người túc trực trông coi di tích trong thời gian sớm nhất và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trong tháng 7.2023", bà Lan Phương trả lời.

Nhà trưng bày khá hoành tráng, nhưng bên trong không có nơi thờ các chiến sĩ ngã xuống trong sự kiện Ninh Thạnh Lợi. Ảnh: Nhật Hồ

Bà Lan Phương cũng cho biết, sắp tới, Sở sẽ phối hợp với huyện Hồng Dân tổ chức khảo sát và tập trung xây dựng các hạng mục như: nhà làm việc, bia sự kiện nổi dậy của nông dân Ninh Thạnh Lợi, trưng bày hiện vật trong nhà trưng bày, xây dựng sân hành lễ, khu vệ sinh, quy hoạch mở rộng thêm diện tích di tích, nâng cấp mở rộng đường vào di tích… đảm bảo đủ điều kiện để đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Khu di tích gần như bỏ hoang, nhưng theo Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, sắp tới sẽ xây dựng thêm nhiều hạng mục để đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích cấp Quốc gia. Ảnh: Nhật Hồ

Liên quan đến nội dung này, Thường trực HĐND tỉnh cho rằng phần trả lời của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chưa rõ về vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của mình về văn hóa. Việc giao trách nhiệm cho huyện có gắn với thành lập Ban Quản lý di tích, xây dựng quy chế hoạt động không? Đồng thời, đề nghị Sở hằng năm chủ động rà soát tình trạng xuống cấp của hệ thống di tích trong tỉnh để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách nâng cấp theo thứ tự ưu tiên đầu tư. Trong phân cấp quản lý di tích, phải giao trách nhiệm rõ ràng, có kiểm tra, không để xảy ra tình trạng hàng loạt di tích cùng xuống cấp rồi phải đầu tư kinh phí rất lớn để tu bổ.

Cỏ dại mọc um tùm bên hành lang nhà trưng bày. Ảnh: Nhật Hồ

Sự kiện lịch sử Ninh Thạnh Lợi xảy ra vào năm 1927. Đây là phong trào đấu tranh tự phát của nông dân thời kỳ chưa thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện gây chấn động Nam Kỳ, khi mà những người nông dân vùng lên đấu tranh trực diện với thực dân Pháp, mở đầu cho những cuộc đấu tranh của người dân Nam Bộ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn