MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sự kiện Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI năm 2022. Ảnh: Hải Nguyễn

Đi tìm bản sắc cho liên hoan phim ở Việt Nam

Anh Tuấn LDO | 19/07/2023 08:46

Duy trì một thương hiệu liên hoan phim có sẵn, đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển thương hiệu điện ảnh có thể mang lại những hiệu quả nhất định.

Chờ đợi “Cánh diều 2023”

Cục Điện ảnh vừa thông báo, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 sẽ tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 21 - 25.11.2023. Đây là lần đầu tiên một liên hoan phim cấp quốc gia tổ chức tại Đà Lạt trong dịp kỷ niệm 130 năm thành phố Đà Lạt hình thành và phát triển.

Cùng ngày, Hội Điện ảnh cũng công bố lễ trao giải Cánh diều 2023 diễn ra từ ngày 6 - 9.9 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa sẽ có nhiều điểm mới đột phá, không chỉ có các tọa đàm “gỡ khó” cho điện ảnh Việt, podcast phát triển Công nghiệp Điện ảnh; Cung đường điện ảnh dọc biển với 20 điểm chiếu phim truyện, phim tài liệu, khoa học, hoạt hình, phim ngắn; liveshow điện ảnh-ca nhạc… mà còn có những hoạt động chưa từng tổ chức trước đây như liveshow điện ảnh-ca nhạc. Ra đời vào năm 2002, Cánh diều là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, tới nay đã qua 22 lần tổ chức.

Việc Nha Trang lần thứ 2 đăng cai giải Cánh diều (trước đó đã tổ chức Diễn đàn kết hợp du lịch và điện ảnh Việt Nam) cũng cho thấy cam kết và định hướng rõ ràng của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trong việc khai thác giá trị thương mại của du lịch kết hợp điện ảnh.

Liên hoan phim Việt Nam, giải Cánh diều và Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức) là 3 trong số những sự kiện điện ảnh lớn, tổ chức liên tục qua nhiều năm ở nước ta, từ đó gây dựng được uy tín trong mắt giới làm nghề trong nước và quốc tế.

Cần có bản sắc

Điều 38 Luật Điện ảnh 2022 có một điểm mới, đó là mở ra quy định cho phép “UBND cấp tỉnh được tổ chức liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam”. Từ đó, các liên hoan phim lớn nhỏ đua nhau mọc lên ở Việt Nam. Theo nguồn tin riêng của người viết, đầu năm tới ở TPHCM sẽ ra mắt một liên hoan phim mới dành cho đối tượng chuyên biệt. UBND một tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đang xây dựng đề án, tìm kiếm đối tác tổ chức liên hoan phim nằm trong lộ trình tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Việc ngày càng có nhiều liên hoan phim ở Việt Nam là một điều tích cực. Điện ảnh là môn nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi kỹ năng của nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Bộ phim là kết quả quá trình lao động tập thể, đội nhóm chứ ít cá nhân nào đủ sức một mình thực hiện bộ phim. Việc có nhiều liên hoan phim ở nước ta cho thấy giới làm nghề và các thành tố xung quanh nền điện ảnh ý thức về việc “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Đoàn kết lại sẽ cho sức mạnh.

Nhưng người ta cũng thấu hiểu một điều “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, ít mà chất còn hơn nhiều mà loãng. Thay vì người người nhà nhà thi nhau tổ chức liên hoan phim, các tỉnh, địa phương ai cũng muốn có liên hoan phim mang bản sắc địa phương mình, tại sao không nghĩ đến việc tổ chức liên hoan phim cấp vùng, một vài tỉnh chung tay đóng góp nguồn lực xây dựng liên hoan phim. Điều đó cũng phù hợp với chủ trương xây dựng liên kết vùng để phát triển kinh tế của Chính phủ.

Ông Max Tessier - người Pháp, thành viên Ban giám khảo Netpac tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) 2022 từng chia sẻ với người viết, liên hoan phim quốc tế Hà Nội đừng nên bắt chước các liên hoan phim quốc tế mà hãy tìm cách “xây dựng căn cước cho riêng mình”.

“Với những liên hoan phim như HANIFF, các bạn nên tập trung vào xây dựng danh tính, bản sắc riêng của mình, không phải cố gắng để cạnh tranh với các liên hoan phim lớn như Tokyo, Busan. Điều quan trọng nhất là liên hoan phim phải tiếp tục được duy trì, thu hút càng nhiều phim hay và khán giả đại chúng đến rạp càng tốt, quan trọng là để lại dấu ấn riêng của chính liên hoan phim đó” - ông Max Tessier nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn