MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Níu kéo thời gian” - một bức ảnh dự thi Festival ảnh trẻ 2019. Nguồn ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Đi từ hành lang tay vịn đến những chân trời mới

VIỆT VĂN LDO | 17/10/2019 07:00

Triển lãm Festival nhiếp ảnh trẻ năm 2019 khai mạc ngày 17.10 và đây là cuộc hội tụ của những cái tên nổi bật trong số các tay máy trẻ từ 18 đến 35 tuổi, với những sáng tạo mới mẻ trong cách tiếp cận hiện thực cuộc sống đương đại.

Mở rộng cửa cho sáng tạo

Chủ đề Festival 2019 mang tính chất mở “Việt Nam hôm nay” với 2 thể loại: Ảnh hiện thực - sáng tác bằng phương pháp hiện thực, không chấp nhận ảnh chắp ghép, làm sai lệch hiện thực và ảnh thể nghiệm, ý niệm - có thể sử dụng mọi kỹ thuật.

Thí sinh có thể dự thi ảnh đơn hay ảnh bộ, thậm chí cả 2 tùy vào sở trường của mỗi cá nhân. Mỗi bộ ảnh được đánh giá tính toàn vẹn như một tác phẩm, gồm 5 ảnh. Và phần text được chú trọng nhất là ảnh thể nghiệm để thí sinh có cơ hội trình bày ý tưởng. Và lần này, Hội đồng nghệ thuật được thành lập riêng cho từng thể loại với các thành viên giỏi nghề, am hiểu công nghệ và xu hướng sáng tác của giới trẻ.

Sân chơi đã mở cửa hết cỡ, để các nghệ sĩ trẻ tha hồ vẫy vùng, thể hiện tư duy, phần còn lại là khả năng các nghệ sĩ trẻ bung được cỡ nào.

Chênh lệch

Con số ảnh dự thi 2.068 không nhỏ và tất nhiên số bạn trẻ lựa chọn thi ảnh hiện thực đông hơn hẳn, áp đảo số ảnh thể nghiệm chỉ có 152 tác phẩm (134 ảnh đơn và 18 bộ ảnh).

Sự chênh lệch cũng thể hiện rõ ở trình độ tay nghề. Cùng dự thi nhưng có người có thể là thày người khác. Có bộ ảnh lấy chủ đề môi trường thể hiện kỹ thuật máy tốt từ chụp phơi sáng, star trail, milky way, chụp từ trên cao bố cục, tạo hình và ánh sáng đều ấn tượng... Có những bộ ảnh chủ đề hời hợt, ý tưởng gượng ép, xử lý màu “rợ” làm “nhức mắt” giám khảo. Có bộ ảnh, từng ảnh riêng tương đối đẹp nhưng khi nhìn tổng thể lại rời rạc, trùng lắp. Bộ ảnh viết text hay rất hiếm và ảnh đi kèm lại không ăn nhập.

Có những góc nhìn sáng tạo, không “khoe” kỹ thuật, không nuông chiều thị giác mà nhìn như thực như mơ, với những mảng sáng tối, mờ, nhòe trong một khu chợ. Có bộ ảnh tĩnh vật chụp cầu kỳ, nhưng giám khảo lại không thấy cái duyên, cái tình của tác giả. Có số ít còn chưa phân biệt thế nào là ảnh hiện thực, thế nào là ý niệm, thể nghiệm. Và có những ý tưởng vay mượn từ ảnh nước ngoài đưa vào không thuyết phục, xa lạ với văn hóa phương Đông.

Buông bỏ để đi tới

Theo nhà triết học lừng danh Nietzsche (Đức) thì con người phải trải qua giai đoạn “lạc đà” (thu nhặt, học tập kiến thức…) trước khi chuyển sang “sư tử” (cất tiếng gầm thể hiện cái tôi độc lập). Lẽ dĩ nhiên, có những người không bao giờ trở thành sư tử mà mãi chỉ là lạc đà.

Ở Festival nhiếp ảnh trẻ 2019 thiếu những tiếng gầm vang sư tử hay nói đúng hơn là rất ít. Dù chất lượng ảnh lại có bước tiến rõ rệt so với Festival 2017, dù có những cái tên mới xuất hiện để hy vọng như những Huỳnh Thanh Truyền (Đà Nẵng), Nguyễn Quốc Ái (TPHCM) của 2 năm trước…

Tại sao? Vì sự đầu tư còn chưa đủ, khi mà nhiếp ảnh đang trở thành thú chơi phổ biến, nhiều người nghĩ là chụp ảnh đẹp không khó. Hay vì các bạn vẫn đang đi tìm những cái xa xôi mà không chụp chính những gì mình trải nghiệm, là những cái thân thuộc ở cuộc sống xung quanh. Sáng tạo không thể thiếu sự tập trung, trí tưởng tượng và ý chí mãnh liệt, kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn.

Thực hiện một bộ ảnh không đơn giản, kết cấu, sắp xếp, dựng nó thành chuyện hay càng khó. Chỉ cần dựng sai là phá vỡ cảm xúc của người xem. Thành ngữ Anh “Less is more” (tạm dịch: số ít đôi khi hơn số nhiều) nên là bài học nằm lòng cho ảnh bộ. Hình ảnh mở và kết của bộ ảnh là quan trọng nhất bởi ấn tượng đầu tiên và sau cùng cho câu chuyện của bạn.

Với các bạn trẻ, xét đến cùng kết quả một cuộc thi không phải là quan trọng nhất mà dũng cảm chụp cái suy nghĩ, cái trăn trở trong đầu mình mới là quan trọng. Vượt ra khỏi những điều đã học, buông bỏ những hành lang tay vịn mới có thể đi tới những chân trời mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn