MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo tàng lưu giữ kỷ vật của những người chiến sĩ, các anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã hy sinh hoặc bị địch bắt, tù đày. Ảnh: Phạm Đông

Địa chỉ đỏ lưu giữ những ký ức bi hùng

Phạm Đông - Tạ Quang LDO | 14/05/2020 07:31

“Từ khi còn ngồi ghế nhà trường, tham gia quân đội, bị địch bắt tù đày cho đến khi được trở về đời thường, tôi luôn tâm niệm phải làm những điều có ích cho xã hội, cho đất nước theo lời dạy của Bác Hồ” - ông Lâm Văn Bảng - một trong những người thành lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày - chia sẻ.  Bảo tàng xây tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội là một “địa chỉ đỏ” để các thế hệ sau đến tham quan, cùng nhau ôn lại một thời bi hùng của dân tộc.  

Những kỷ vật thiêng liêng về quá khứ bi hùng

Xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, năm 1965 theo tiếng gọi của Đảng, ông Lâm Văn Bảng (77 tuổi, quê ở Nam Sách, Hải Dương) lên đường nhập ngũ. Đến tháng 2.1966, ông cùng đồng đội hành quân vào miền Nam chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Cũng trong suốt thời gian hành quân từ Bắc vào Nam, ông được đồng đội tin tưởng và giao trọng trách làm công tác thương binh, liệt sĩ. Chính chặng đường đó đã luôn ám ảnh, khiến cho ông có suy nghĩ về những đồng đội bị địch bắt tù đầy, tra tấn và cả những người đã nằm xuống. 

Sau thời gian bị giặc bắt và tù đày tại nhà tù Phú Quốc, từ năm 1973 cho tới năm 1985, ông Bảng được giao phụ trách mảng giao thông. Ông đã đi rất nhiều nghĩa trang trên cả nước, tri ân đồng đội. Mỗi lần thắp hương là người cựu binh quê Hải Dương lại không kìm được những giọt nước mắt, sự tiếc thương cho những đồng đội vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Trong một lần thi công sửa chữa Cầu Giẽ (Hà Nội), đơn vị của ông Bảng đã phát hiện một quả bom địch thả xuống trước đó và nhờ người tháo để lấy vỏ quả bom rồi xây bệ đỡ. Cũng từ đó, mỗi buổi sáng lại có rất nhiều người dân dừng lại ngắm quả bom được trưng bày.

“Tôi thấy chỉ có một quả bom, một kỷ vật của chiến tranh mà nhiều người đến xem như vậy thì tại sao quá trình, những tư liệu đồng đội bị địch bắt tù đày trong quá khứ lại không được quy tụ lại để lưu truyền? Cũng từ ý tưởng đó, suốt từ năm 1985 đến nay, chúng tôi đã đi sưu tầm các kỷ vật về trưng bày. Nghe thấy ở đâu có kỷ vật là anh em chúng tôi lại đạp xe đến vận động đồng đội, bà con nhân dân hiến tặng lại để cho vào phòng truyền thống” - ông Bảng nhớ lại.

Đến ngày 19.12.2004, khi hiện vật đã được sưu tầm nhiều, ông Bảng và đồng đội  thành lập và công bố Phòng truyền thống “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”. Sau 2 năm đi vào hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước đã trực tiếp về thăm và kiểm định. Cũng kể từ đó, phòng truyền thống được đổi sang tên là Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội). Hiện nay, bảo tàng rộng hơn 2.000m2, có hơn 4.000 hiện vật, di vật, hình ảnh được lưu trữ, trưng bày nhằm tái hiện lại một thời lịch sử.

Với ông Bảng, những kỷ vật được lưu giữ này để báo cáo với Đảng, với quân đội và nhân dân - những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhưng vẫn kiên trung bất khuất, trung thành với Tổ quốc. Tất cả đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau cả thời chiến lẫn thời bình. Bên cạnh đó, thông qua những hiện vật này cũng sẽ tạo lên tiếng nói, tố cáo tội ác chiến tranh. Từ đây, nhắc nhở mọi người về công tác giáo dục truyền thống, tri ân những anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng.

Niềm tin vào thế hệ trẻ

Kể từ khi thành lập, nơi đây được xem là “địa chỉ đỏ” để các thế hệ đến tham quan, cùng nhau ôn lại một thời bi hùng của dân tộc. Đặc biệt, bảo tàng cũng là nơi ghé thăm của nhiều học sinh, sinh viên…

Nói về việc các chiến sĩ bộ đội nhường giường chiếu, nơi ở cho người dân trong thời gian phòng dịch COVID-19, ông Bảng khẳng định đó là những hình ảnh rất đẹp. Với tâm niệm “quân đội ta từ nhân dân mà ra”, “quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân” thì ông cho rằng, điều đó càng gần gũi và thắm thiết tình quân dân. Truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ đã có từ khi mới bắt đầu thành lập. Hành động bảo vệ nhân dân, nhường cơm sẻ áo là những nghĩa cử rất cao đẹp của bộ đội. 

“Từ khi còn ngồi ghế nhà trường, tham gia quân đội, bị địch bắt tù đày cho đến khi được trở về đời thường, tôi luôn tâm niệm phải làm những điều có ích cho xã hội, cho đất nước theo lời dạy của Bác Hồ. Học tập và thực hiện theo lời dạy của Bác về việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, công tác đại đoàn kết trong Đảng, công tác dân vận... tôi cùng với đồng đội đã dựng lên Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, cũng nhắc nhở mọi người thấy được sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, để thấy được lời dạy của Bác “Không có gì quý hơn độc lập - tự do” quý giá biết nhường nào” - ông Bảng nói.

Ông Lâm Văn Bảng vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao Động hạng Ba, được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Ưu tú Thủ đô năm 2014 cùng nhiều phần thưởng cao quý khác… Năm 2018, ông là 1 trong 70 tấm gương điển hình được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua Ái quốc. Năm 2019, bảo tàng  vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn