MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách trẩy hội Tràng An. Ảnh: Nguyễn Trường

Điểm nghẽn cần được khai thông của du lịch Tràng An

Quỳnh Trang LDO | 22/04/2024 06:00

Ninh Bình là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, cơ hội phát triển càng được nhân lên khi ngày 23.6, quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Thế nhưng, Di sản Tràng An vẫn chưa được tận dụng để khai thác hết tiềm năng vốn có.

Du khách không thể “ăn mãi một món”

Khu vực Di sản Quần thể danh thắng Tràng An hiện có hơn 400 di tích gồm đình, chùa, hang động... Đặc biệt có hơn 30 di tích khảo cổ hang động, mái đá. Trong đó, có 57 di tích đã được nhận diện và xếp hạng gồm: 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp Quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh.

Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã góp phần quan trọng đưa hình ảnh của tỉnh Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ để Ninh Bình phát triển du lịch, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, nằm trong nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong “Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử, ở Tràng An đang có một số lượng lớn các dấu tích khảo cổ học của nhiều thời kỳ từ thời tiền sử cho đến thời kỳ lịch sử. Nguồn tài nguyên này cực kỳ phong phú và đa dạng về loại hình và giá trị khoa học, là tiềm năng lớn để thu hút khách du lịch nhưng vẫn chưa được khai thác và phát huy.

Dù lượng khách đến Ninh Bình đã tăng nhanh nhưng điểm đến của phân khúc thị trường du lịch văn hóa chủ yếu vẫn là khu vực Cố đô Hoa Lư, trải nghiệm chủ yếu vẫn là thăm các công trình lịch sử, đền, chùa, thưởng thức các sự kiện văn hóa, lễ hội.

Theo TS. Nguyễn Anh Thư - Giảng viên khoa Di sản văn hóa, Đại học văn hóa Hà Nội, khách du lịch đến Tràng An chủ yếu chiêm ngưỡng di sản một cách thụ động (ngồi thuyền, đi tham quan) mà chưa thực sự có cơ hội trải nghiệm các nội dung kết hợp như lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, khảo cổ học nghệ thuật - giao lưu và trao đổi văn hóa.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình nhìn nhận: “Sự thiếu vắng, khan hiếm các hoạt động văn hóa như biểu diễn nghệ thuật, triển lãm văn hóa, khiến các đơn vị lữ hành gặp khó khăn trong việc thiết kế các chương trình du lịch dài ngày, mặt khác phần nào cũng sẽ tạo ra khó khăn trong việc đưa du khách quay trở lại Ninh Bình”.

Rõ ràng, sự thiếu vắng các sản phẩm du lịch chính là “điểm nghẽn” cần được khơi thông.

Biến di sản thành tài sản

Di sản địa chất ở Tràng An rất phong phú, vừa có thể sử dụng vào các mục đích du lịch, vừa có thể dành cho các đối tượng du khách muốn tìm hiểu sâu hơn về địa chất học nói chung cũng như đặc điểm địa chất, địa mạo khối đá vôi Tràng An nói riêng.

“Vẫn còn nhiều nguồn di sản khảo cổ học ở Tràng An đang chờ được đánh thức. 10 năm sau khi Tràng An được công nhận là Di sản thế giới, đây là thời điểm phù hợp để tìm kiếm các giải pháp mới xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt hơn, biến di sản thành tài sản. Không đơn thuần là để du khách đến đây tham quan mà phải diễn giải các giá trị di sản một cách chân thực, sống động và khoa học hơn trong các sản phẩm du lịch” - PGS.TS Dương Văn Sáu (Nhà nghiên cứu Di sản văn hóa) nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Sáu, Quần thể danh thắng Tràng An là danh lam độc đáo, đặc sắc. Chính yếu tố di sản văn hóa đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với khách tham quan, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn