MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Diễm Xưa” và mối tình đầu day dứt của Trịnh Công Sơn

Minh Anh LDO | 01/04/2022 16:17
Mối tình đầu với nàng thơ Bích Diễm đã tạo cảm hứng cho nhạc phẩm “Diễm xưa” bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Ca khúc “Diễm Xưa” là một trong những tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài hát gửi gắm một nỗi niềm day dứt về mối tình đầu của chính ông với nàng thơ Ngô Vũ Bích Diễm.

Những năm đầu thập niên 60, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kinh tế sa sút, phải chuyển từ gian phố lớn trên đường Phan Bội Châu về căn hộ ở tầng một dãy nhà mới xây nơi đầu cầu Phủ Cam.

Hằng ngày, Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh trường Đồng Khánh đi học qua cầu Phủ Cam, dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ (Ảnh: GĐCC) 

Từ lúc nào không hay, cô nữ sinh Ngô Vũ Bích Diễm đã lọt vào mắt xanh của chàng nhạc sĩ. Cô vốn là con gái thầy Ngô Đốc Khánh, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc học Huế.

Dáng người cô dong dỏng cao, khuôn mặt thanh tú, bước đi nhẹ nhàng, thong thả. Con người của cô rất hợp với cái tên Diễm và cả tâm hồn nhạy cảm của Trịnh Công Sơn. 

Sau này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết lại về Diễm: "Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não.

Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng, ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt”. 

“Diễm xưa” đã trở thành ca khúc bất hủ (Ảnh: Góc xưa) 

Những ngày không thấy Diễm đi qua, Trịnh Công Sơn đau khổ, con đường trước nhà bỗng “dài hun hút cho mắt thêm sâu”. Nhưng chính anh cũng biết, để thổ lộ với Diễm không hề dễ bởi cha cô rất nghiêm. Ông sẽ không chấp nhận một người lãng tử như Trịnh Công Sơn. 

Ngày ấy, bạn của Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần đó để làm xưởng vẽ. Hai người thường canh khi nào thầy Ngô Đốc Khánh phải đi dạy, mà Diễm đang ở nhà học bài, thì sẽ “liều mình” qua thăm. Những lần ấy, có khi Diễm tiếp, có khi cô để người nhà tiếp hoặc cũng có khi tránh mặt để khách ngồi chơi rồi về.

Trịnh Công Sơn đã trút hết nỗi lòng với nàng thơ của mình vào ca khúc “Diễm xưa” như chính ông sau này kể lại. Người con gái đi qua những hàng cây long não ngày nào bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm, dù đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”. 

Diễm cũng biết Trịnh Công Sơn yêu mình, chính cô cũng nhiều khi rung động. Nhưng mối tình cứ mãi dở dang vì chàng nhạc sĩ chưa kịp tỏ lời yêu, chỉ dám thổ lộ tình cảm của mình qua những khúc nhạc, cô gái cũng không thể vượt qua được cản trở mà ngại ngần né tránh “tiếng gọi của trái tim".

Mối tình đầu ngây dại ấy đã trở thành nỗi niềm day dứt khôn nguôi trong lòng Trịnh Công Sơn suốt những năm tháng sau này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn