MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trấn Thành đạo diễn phim "Mai". Ảnh: Nhà sản xuất

Điểm yếu của “Mai” - bộ phim 6 ngày thu 200 tỉ đồng của Trấn Thành

Bình An LDO | 17/02/2024 10:22

Tính đến sáng 17.2, “cơn bão” mang tên “Mai” của Trấn Thành đã cán mốc 267 tỉ đồng doanh thu phòng vé, sau gần 8 ngày ra rạp.

* Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Sòng phẳng nhìn nhận, “Mai” đánh dấu sự lên tay rõ nét của Trấn Thành trong công việc đạo diễn. Ở vị trí đạo diễn, Trấn Thành cho thấy những thế mạnh rất riêng, không ai có.

Với sức hút “khủng”, ngay cả khi tung ra rạp một bộ phim thường thường bậc trung, Trấn Thành có thể vẫn đủ sức càn quét phòng vé. Nhưng, Trấn Thành đang cho thấy những tham vọng lớn hơn thế, khi ngồi ở vị trí đạo diễn.

Không ỷ nại vào sức hút có được từ thương hiệu cá nhân, với “Mai”, Trấn Thành có sự tiếp thu, đầu tư, nỗ lực và chăm chút.

“Mai” so với “Bố già” hay “Nhà bà Nữ” đã không còn ồn ào, phim được tiết chế và chắt lọc hơn về lời thoại. Phim mang đủ những dấu ấn và thế mạnh của Trấn Thành.

Xuất thân từ một diễn viên, Trấn Thành có thế mạnh nổi bật ở khả năng chỉ đạo diễn xuất. Hai nhân vật chính, Dương (Tuấn Trần), Mai (Phương Anh Đào) được xây dựng với nhiều cảm xúc. Khả năng, thế mạnh diễn xuất của Phương Anh Đào, Hồng Đào, Tuấn Trần... được khai thác tối đa trong những phân cảnh kịch tính, mang tính xung đột, cao trào.

“Mai” được Trấn Thành đầu tư, chỉn chu. Ảnh: Nhà sản xuất

“Mai” cũng được đầu tư về góc máy, bối cảnh, sự chỉnh chu trong dàn dựng, khi Trấn Thành đặt các nhân vật vào giữa đời sống đầy va đập.

Trấn Thành tạo cho Mai một xuất thân đặc biệt, một công việc với môi trường làm việc mang tính đặc thù, để từ đó, tạo được điểm nhấn cho số phận của Mai.

Bối cảnh cũng là một điểm cộng khác cho “Mai”. Khu chung cư cũ với cầu thang ngoài trời, vây xung quanh là những số phận nghèo với đủ mọi sắc thái cá tính, “Mai” phát huy tối đa thế mạnh khác của Trấn Thành, đó là kể chuyện về thân phận con người mang đậm hơi thở cuộc sống.

Nhân vật của Trấn Thành thoại trong tiếng còi xe ồn ào, đi lại giữa bối cảnh đời sống chảy trôi và va đập, xung đột với những số phận xung quanh.

Tuy nhiên, “Mai” vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu. “Mai” đánh dấu sự lên tay so với chính Trấn Thành, nhưng xét như một tác phẩm độc lập, “Mai” chưa đủ bứt phá để là tác phẩm gây kinh ngạc.

Nếu tạm gạt sang bên những thủ thuật kể chuyện, cách tạo ra môi trường giàu tính đời sống... chỉ xét từ kịch bản cốt lõi, thì “Mai” là câu chuyện tình yêu với mô-típ rất cũ.

Một phụ nữ quá lứa lớn tuổi, có con riêng, nhà nghèo một ngày sa vào lưới tình của chàng thanh niên trẻ ăn chơi, nhà giàu, hoang đàng. Từ sự trái dấu về độ tuổi, tầng lớp, họ phải vượt qua nghịch cảnh để yêu nhau và cuối cùng, chịu sự ngăn cản từ gia đình.

Câu chuyện tình của “Mai” có mô-típ cũ, dễ đoán. Ảnh: Nhà sản xuất

Nếu là “mọt phim” của thể loại tâm lý tình cảm, hẳn sẽ thấy “Mai” sở hữu một kịch bản dễ đoán, quen thuộc. Kể cả những cú bẻ lái của “Mai” cũng dễ đoán.

Khi điện ảnh thế giới (ở thể loại tâm lý tình cảm) đã nghĩ ra “muôn hình vạn trạng” với đủ mọi hoàn cảnh phức tạp, thậm chí vượt xa cả tưởng tượng để xếp đặt đàn ông – đàn bà yêu nhau rồi xa nhau, sẽ thấy “Mai” không dùng đến quá nhiều sáng tạo trong câu chuyện.

Kịch bản “Mai” cũng tồn đọng những lỗ hổng, làm ngắt quãng cảm xúc, và đặt ra nhiều câu hỏi cho khán giả.

Bằng cách nào, một cô gái làm nghề massage (mát-xa) như Mai, sau khi rời đi lại vụt trở thành một phụ nữ thành đạt khi vào đến Đà Lạt?

Trong cuộc đời mình, từ trước khi gặp Dương, Mai đã đối diện với nhiều bi kịch chồng chất, từng xuống đáy, từng trả nợ cho cha không biết bao nhiêu lần... Nghĩa là, Mai có đủ động lực để đi xa, để làm việc điên cuồng, nhưng cô vẫn mãi chỉ là một nhân viên massage. Vậy lý do gì, khi vào đến Đà Lạt, Mai lại thành công và trở nên giàu có?

Nếu giỏi giang như thế, chăm chỉ như thế, dễ thành công như thế, Mai đã có thể giàu có ngay từ đầu phim, lúc ấy, cô sẽ cùng đẳng cấp, cùng tầng lớp với mẹ của Dương. Vậy, chuyện sẽ chẳng có gì để kể.

Ở những phân đoạn hồi tưởng, tái hiện dạng “xuyên không”, hình ảnh chưa thật trau chuốt. Phần đầu phim còn dài dòng, lê thê trong mạch kể chuyện.

Trên tất cả, “Mai” quen thuộc, dễ xem, dễ cảm nhận. Đó có thể là điểm yếu, nhưng cũng có thể là điểm mạnh của “Mai” ở phòng vé.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn