MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Chư Tan Kra”. Nguồn ảnh: ĐAQĐND

Điện ảnh quân đội chuyển mình mạnh mẽ

Việt Văn LDO | 30/03/2020 14:30

Mấy năm gần đây, đặc biêt là tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, Điện ảnh Quân đội gây ấn tượng mạnh, đoạt nhiều Bông sen cao quý và hơn thế có cách tiếp cận làm phim mới, mềm mại hơn, hấp dẫn hơn để thu hút khán giả ngoài quân đội nhiều hơn. Năm 2020, có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc như 90 năm thành lập Đảng, 45 năm ngày thống nhất đất nước, Điện ảnh Quân đội nhân dân tiếp tục triển khai nhiều dự án mới…

Hàng loạt dự án lớn triển khai

Kịch bản luôn là yếu tố then chốt của mỗi bộ phim. Điện ảnh quân đội nhân dân (ĐAQĐND) luôn chú trọng tạo nguồn kịch bản từ các trại sáng tác. Năm 2019, phối hợp với Hội Điện ảnh Việt Nam mở trại sáng tác về đề tài Lực lượng vũ trang (LLVT) thu hút nhiều biên kịch, đạo diễn tên tuổi của điện ảnh Việt Nam tham gia trại ở cả 3 thể loại phim truyện, tài liệu và khoa học. Ngoài các biên kịch quân đội, hằng năm phát động sáng tác để thu hút các tác giả bên ngoài gửi kịch bản đến.

Năm 2020, ĐAQĐND tiếp tục thực hiện dự án phim chân dung tướng lĩnh quân đội bằng chất liệu nhựa (ĐAQĐND là đơn vị duy nhất còn sản xuất phim chất liệu nhựa) với 2 phim “Nguyễn Khắc Nghiên - người con đất Tổ”, biên kịch, đạo diễn NSƯT Thành Thái và “Vị tướng của bình minh Ba Tơ”, biên kịch và đạo diễn NSƯT Phạm Huyên.

Bộ phim đầu là chân dung thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên (23.1.1951 - 13.11.2010) quê ở Phú Thọ, nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX, X, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc phòng từ năm 2006 đến năm 2010. Trong hơn 40 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và được trao tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý như Huân chương Độc Lập hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Campuchia, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất...

Bộ phim thứ hai về chân dung Trung tướng Nguyễn Đôn (1918 - 2016), tên thật là Nguyễn Khâm - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh đầu tiên Quân khu 4, Bí thư Đảng ủy kiêm Chính ủy và Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Chính trị viên đội du kích Ba Tơ. Đây là vị tướng từng lặn lội lên núi Cao Muôn cắt máu ăn thề với già làng người dân tộc thiểu số, thuyết phục đồng bào ủng hộ Việt Minh, xây dựng Ba Tơ thành khu căn cứ của đội du kích và là phên dậu vững vàng phía tây Quảng Ngãi… Tướng Nguyễn Đôn đã được nhận Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, cùng nhiều huân huy chương và phần thưởng cao quý khác. Năm 2012, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Một dự án phim tài liệu 22 tập về chiến tranh Việt Nam “Con đường đã chọn”, với bối cảnh trải dài từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cho đến thời đại bây giờ. Vào đợt kỷ niệm 30.4.2020 sẽ phát sóng tập 15, 16, 17, 18, 19 về Chiến dịch Hồ Chí Minh để kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bộ phim có sự tham gia của nhiều đạo diễn tên tuổi như các NSND Lê Thi, NSND Lưu Quỳ NSND Hoàng Lâm, NSƯT Phạm Huyên, Bùi Chí Trung, Đặng Thái Huyền…

Dự án phim truyện Điện ảnh nhân kỷ niệm 50 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972- 2022) cũng đang được triển khai, cùng với dự án phim tài liệu hợp tác với Liên bang Nga nhân kỷ niệm 70 năm quan hệ hợp tác Quốc phòng Việt - Nga (1950 - 2020). Ngoài ra, ĐAQĐND còn thực hiện các phim trong kế hoạch sản xuất ở cả 3 thể loại: Phim tài liệu (14 phim), phim truyện (1), phim khoa học (1).

Do dịch bệnh COVID-19 nên tiến trình một số dự án sẽ có thể kéo dài thêm thời gian vì rất khó thực hiện các phỏng vấn nhân vật. May mắn là ĐAQĐND đã kịp triển khai quay 5 tập về chiến thắng 30.4 trong phim 22 tập “Con đường đã chọn” ngay sau Tết nên đến khi bùng dịch thì đã quay xong, hiện đang trên bàn dựng…

Cách kể chuyện khoáng đạt và hấp dẫn hơn

Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương khi nhận định về các phim Tài liệu - Khoa học dự thi Liên hoan phim quốc gia lần thứ 21 với tư cách là Chủ tịch Ban giám khảo phim Tài liệu - Khoa học đã cho rằng, điện ảnh quân đội đã có những nét đổi mới tích cực. Không còn cách làm phim hơi khô, theo một format cố định nữa mà đã linh hoạt hơn nhiều. Cách kể, cách dựng phim đã có nhiều thay đổi, tất cả nhằm hướng tới việc chuyển tải thông điệp tới người xem “ngọt” hơn.

Hai bộ phim tài liệu ấn tượng nhất là “Chư Tan Kra” (Bông sen Bạc), “Trại Davis” (Bằng khen BGK) đều là những phim có kết cấu chặt chẽ, và cách kể hấp dẫn. “Trại Davis” của đạo diễn, NSND Lưu Quỳ có cách thắt, mở nút khéo, đưa đến cho người xem những bất ngờ, thú vị trong việc “giải mật” một số tư liệu lần đầu được công bố.

Còn “Chư Tan Kra” của đạo diễn Vũ Minh Phương là câu chuyện giàu tính nhân văn về “Lính mũ sắt Hà Nội” - những cựu chiến binh Trung đoàn 209 nhiều năm đi tìm kiếm hài cốt đồng đội đã hy sinh tại dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thày, tỉnh Kon Tum. Ý nghĩa cao quý và thiêng liêng của cụm từ “tình đồng đội” không phải chỉ riêng có ở Việt Nam nhưng rõ ràng nó được biểu hiện sống động và mang một trong những nét đặc thù đặc biệt chỉ có ở chúng ta. 

Trong giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2014-2019) vừa được trao đầu năm nay, giải A cũng dành cho “Chư Tan Kra” và giải B cho “Trại David” cùng nhiều tác phẩm khác như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho ĐAQĐND.

Và trong mùa giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam 2020, ĐAQĐND tiếp tục là một ứng cử viên mạnh mẽ cho các giải thưởng cao quý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn