MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn phát biểu tại hội thảo sáng 13.9.2022. Ảnh: V.V

Điện ảnh quảng bá du lịch: Đôi bên chủ động bắt tay nhau

Việt Văn (lược thuật) LDO | 14/09/2022 07:00

“Khánh Hòa - điểm kết nối lý tưởng của điện ảnh và du lịch” - chủ đề cuộc hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của giải Cánh diều Hội Điện ảnh Việt Nam diễn ra ngày13.9.2022 tại bến du thuyền Ana Marina - TP.Nha Trang. Nhiều tham luận, ý kiến của các đại biểu tập trung vào việc khai thác tiềm năng của Khánh Hòa trong việc làm phim cũng như mối quan hệ hợp tác “cùng thắng” giữa Điện ảnh và Du lịch tại Việt Nam và trên thế giới.

Từ hồi ức đến ước mơ tương lai của một đạo diễn nổi tiếng

NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn dẫn người nghe “check in” Khánh Hòa trong những năm 80 của thế kỷ trước khi đó ông đến đây thực hiện những bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng trong không khí phơi phới niềm vui thống nhất đất nước và sự chào đón nồng hậu của người dân nơi đây.

Ông bùi ngùi khi những đạo diễn tên tuổi từng làm phim ở Nha Trang nay không còn nữa như đạo diễn Phạm Kỳ Nam, đạo diễn Hải Ninh, đạo diễn Văn Hòa. Đào Bá Sơn từng là diễn viên chính trong phim “Tự thú trước bình minh” - phim đầu tiên về Nha Trang năm 1979 của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Ông nhớ lại Nha Trang hồi đó, phố xá bình yên lặng lẽ, chỉ có vẻn vẹn 10 kiốt bán nước dừa và xá xị ở bãi biển...

Đạo diễn Đào Bá Sơn đặt vấn đề: Tại sao Nha Trang có nhiều điều kiện lại không dám làm tổ chức một Liên hoan phim quốc tế? Ông dẫn ra LHP Cannes (Pháp) nổi tiếng thế giới còn vì nhiều yếu tố như bãi biển Cannes, nhiều hòn đảo xinh đẹp. Tuy nhiên, theo đạo diễn Đào Bá Sơn, bãi biển Cannes không đẹp như bãi biển Nha Trang, Cannes tự hào về nhiều đảo thì Nha Trang có 19 hòn đảo đẹp. Cannes hàng loạt khách sạn cổ điển thì Nha Trang cũng có nhiều khách sạn đẹp không kém.  

Câu chuyện “win-win”

Ông Cung Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở du lịch Khánh Hòa trong  tham luận: “Khánh Hòa - Hướng đến xúc tiến du lịch thông qua hoạt động điện ảnh” nêu lên sự phát triển của du lịch Khánh Hòa như năm 2019 đã đón 7 triệu lượt khách trong đó có trên 50% khách quốc tế, doanh thu  27.100 tỉ đồng. Hai năm do dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng Khánh Hòa đã gượng dậy nhanh chóng với hàng loạt hoạt động như tổ chức đón khách đầu năm, kích cầu du lịch qua các hội chợ, xúc tiến hợp tác quốc tế với Hàn quốc, Ấn Độ, Singapore... Việc quảng bá du lịch thông qua điện ảnh là hết sức quan trọng. Khán giả bộ phim là đại sứ văn hóa quảng bá du lịch, tác phẩm hay, cảnh quay đẹp, ấn tượng  sẽ tạo ra làn sóng khách du lịch quan tâm tới địa phương.

Từ vị trí của một nhà quản lý điện ảnh giàu kinh nghiệm, TS. NSƯT Nguyễn Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, chia sẻ tầm nhìn cùng những thông tin hữu ích về kết quả và triển vọng mối quan hệ hợp tác “cùng thắng” giữa Điện ảnh và Du lịch. Nghệ thuật Điện ảnh góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam; phát triển du lịch văn hóa. Tại các chương trình giới thiệu Điện ảnh Việt Nam trong nước và nước ngoài, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã luôn quan tâm tổ chức các hoạt động triển lãm, giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Việt Nam - địa danh cho những bối cảnh quay cho các bộ phim quốc tế, kêu gọi các nhà làm phim, các nhà đầu tư điện ảnh nước ngoài tiếp tục lựa chọn Việt Nam là địa điểm quay phim lý tưởng cho các tác phẩm điện ảnh của mình.

TS Thu Hà nhấn mạnh: Các điểm quay phim của nhiều tác phẩm điện ảnh sau khi kết thúc đã trở thành những điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến để trải nghiệm, tìm lại cảm xúc thăng hoa trong phim. Chị dẫn chứng các phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Chuyện của Pao”, “Mắt biếc” và bộ phim Mỹ: “Kong: Đảo đầu lâu (Kong Skull Island, 2017). Trong đó, phim “Kong” được thực hiện khoảng 70% các cảnh quay tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh và Ninh Bình với kinh phí sản xuất 185 triệu USD, kinh phí quảng bá 136 triệu USD với phần lớn thời lượng phim giới thiệu về cảnh đẹp thiên nhiên của Việt Nam. Sau khi bộ phim được khởi chiếu trên thế giới, phim trường ở Ninh Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Có một điều trùng lặp thú vị đã kết nối những bộ phim Việt từ những năm 80 của thế kỷ trước đến những bộ phim rực rỡ của kỷ nguyên số hôm nay là vẫn luôn đem lại cho khán giả những câu chuyện về đất và người Nha Trang lắng đọng mà hiện đại, tân kỳ, thời thượng, nóng bỏng, quyến rũ qua mọi thời gian. Nha Trang trong các tác phẩm điện ảnh luôn cho người xem thấy nhịp sống sôi động không ngừng, luôn đi cùng thời đại.

Và cuối cùng, TS Thu Hà nhấn mạnh như một lời kêu gọi: hãy đến Nha Trang để làm phim.

Trong bài tham luận “Check in Nha Trang: Từ màn ảnh đến đời thực” của nhà báo Việt Văn (phóng viên Báo Lao Động), tác giả đã điểm qua những danh thắng du lịch nổi tiếng của Nha Trang, hình ảnh TP biển trên màn ảnh rộng qua các bộ phim như phim “Tự thú trước bình minh” (năm 1979) của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, “Về nơi gió cát” (năm 1981) của đạo diễn  NSND Huy Thành, “Sơn Ca trong thành phố” của đạo diễn Trần Khánh Dư,... Từ đó, tác giả đi đến nhận xét: Như vậy từ năm 2016 đến nay, không có phim truyện điện ảnh nào đáng nhớ chọn Nha Trang làm bối cảnh chính. Đó là điều đáng tiếc, bởi hình ảnh mới mẻ về cuộc sống đương đại ở Nha Trang giờ đây nếu lên phim sẽ thực sự là một so sánh, đối chứng thú vị với Nha Trang xưa...

Cũng trong hội thảo,VietKings đã trao quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam “Buổi chiếu phim công cộng có số lượng điểm chiếu nhiều nhất ở Việt Nam (có 19 điểm chiếu phim dọc bờ biển) để phục vụ nhân dân và du khách đến Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn