MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim “Song Lang”- một phim nghệ thuật do tư nhân làm. Nguồn: ĐLP cung cấp

Điện ảnh Việt cần một tư duy mới

Việt Văn LDO | 27/05/2020 07:28

Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam vừa qua đánh dấu sự trở lại của phim Nhà nước, dù phim tư nhân vẫn áp đảo và cho thấy sự vượt trội tiến bộ trên nhiều lĩnh vực. Điều đáng nói, cả 2 dòng phim này đều cần những bước chuyển ngoạn mục hơn nữa, để điện ảnh Việt Nam phát triển rực rỡ hơn.

Phim tư nhân làm ngày càng chuyên nghiệp

Những năm trở lại đây, phim thị trường do tư nhân sản xuất vẫn là dòng phim chủ lưu của điện ảnh Việt Nam. Tư nhân làm phim nên yếu tố doanh thu được đặt lên hàng đầu, chú trọng đến tính giải trí thương mại cao để hấp dẫn khán giả và đầu tư lớn cho công tác quảng bá, truyền thông. Những  đề tài được cày đi xới lại là hài, kinh dị, tâm lý tình cảm, nhất là tuổi vị thành niên… và nhiều phim kết hợp nhiều “mùi” tạo nên những “nồi lẩu dễ ăn”...

Ngoài một số ít phim quá dở bị chê là “thảm họa” thì nhiều phim đã ăn khách, một số thậm chí thắng lớn về doanh thu. Một câu chuyện dễ hiểu, lâm ly, có nước mắt, pha chút triết lý xã hội và kết thúc “happy end” với sự góp mặt của các hotboy, hotgirl với các khâu chế tác được chăm chút kỹ như âm thanh, kỹ xảo, võ thuật, dựng phim… đã trở thành công thức cho nhiều phim tư nhân. Và những đạo diễn Việt kiều đi học bài bản ở nước ngoài về nhờ áp dụng xuất sắc công nghệ làm phim Hollywood đã trở thành những “ông vua phòng vé” như Charlie Nguyễn, Victor Vũ…

Charlie Nguyễn là một đạo diễn đa tài, từng làm nhiều phim giải trí có những đề tài khác nhau và luôn chú ý tới những thủ pháp điện ảnh mới lạ. Bộ phim gần nhất của anh “Chàng vợ của em” cho thấy một Charlie Nguyễn đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, kết hợp cả yếu tố nghệ thuật và thương mại. Trong khi Victor Vũ từng được coi là đạo diễn số 1 của dòng phim thị trường, trở lại với “Mắt biếc” trong Cánh diều vừa qua lại không gây được chú ý. Sự đi xuống của Vũ bắt đầu từ phim “Người bất tử” và đến “Mắt biếc” là rõ rệt hơn. Sự lặp lại ở một số thủ pháp, không vượt ra khỏi cái bóng của một “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” chính là điểm trừ của “Mắt biếc”.

Một “đả nữ” của điện ảnh Việt lại đang trở thành cái tên cực hot của dòng phim tư nhân chính là Ngô Thanh Vân. Sau những vai diễn ấn tượng trong các phim như “Dòng máu anh hùng”, “Lửa Phật”, “Bẫy rồng”…, Ngô Thanh Vân quyết định chuyển hướng sang làm cả đạo diễn, rồi nhà sản xuất và nhanh chóng thành công. Phim gần nhất “Hai Phượng” là một minh chứng. Tay nghề vững vàng, các mảng miếng kỹ xảo làm chuyên nghiệp, ấn tượng, “Hai Phượng” không thua kém là bao so với một phim hành động kiểu Hollywood, thắng lớn về doanh thu, đoạt Cánh diều Bạc xứng đáng.

Tuy nhiên, đóng góp đáng kể nhất của Vân chính là dũng cảm sản xuất những phim đề cao giá trị văn hóa dân tộc và mang đậm chất nghệ thuật, tiêu biểu là “Song Lang” (Bông sen Vàng LHP quốc gia) và “Cô Ba Sài Gòn” (Cánh diều Vàng Hội điện ảnh Việt Nam) dù biết phim khó có doanh thu. Trong bối cảnh rất ít nhà làm phim tư nhân dám mạo hiểm đầu tư vào những phim có giá trị nội dung xã hội sâu sắc hay thể nghiệm nghệ thuật vì sợ thua lỗ thì nỗ lực của Ngô Thanh Vân càng đáng ghi nhận.

Mới nhất đây, thắng lợi vô đối của “Hạnh phúc của mẹ” (đạo diễn Huỳnh Đông) hy vọng là “liều doping” thúc đẩy các nhà làm phim tư nhân tiếp tục làm những phim mang giá trị nhân văn sâu sắc về đề tài gia đình.

Hàn gắn sự “đứt gãy”

Đã có những tiếng kêu lo ngại cho sự “đứt gãy” của điện ảnh Việt bởi thiếu vắng nguồn phim Nhà nước với mảng đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng… mang sứ mệnh góp phần chấn hưng, bồi bổ nội lực tinh thần dân tộc, giữ vững nhân tâm, thúc đẩy nền điện ảnh dân tộc. Và sau một thời gian dài vắng bóng vì nhiều lý do khác nhau, dòng phim Nhà nước đã trở lại Liên hoan phim quốc gia năm ngoái và giải Cánh diều năm nay. 3 phim gần đây là “Lính chiến”, “Hợp đồng bán mình” và “Truyền thuyết về Quán Tiên”. Trong đó, “Truyền thuyết về Quán Tiên” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ là trội hơn cả và giành cú đúp bạc (Bông sen và Cánh diều).

Nhìn chung phim Nhà nước chưa trở lại được sức mạnh từng có trong quá khứ và so với tư nhân là đang tụt hậu. Có nhiều lý do bào chữa cho sự yếu kém, trong đó dĩ nhiên có vấn đề kinh phí từ làm phim đến tuyên truyền quảng bá. Rồi đề tài làm phim, nhất là phim chiến tranh đòi hỏi vốn sống phong phú và tư duy sắc sảo, độc đáo của đạo diễn và đoàn làm phim. Sự hăng hái, năng nổ của những người trẻ luôn muốn soi chiếu, thể hiện mảng đề tài truyền thống ở những góc nhìn mới là rất đáng khen, nhưng nhiều khi lực bất tòng tâm.

Cơ chế đặt hàng của Nhà nước không hẳn là hiệu quả mà việc công khai đấu thầu các dự án làm phim truyền thống mới cần được thực thi. Đi kèm với nó là một chế tài thưởng phạt công minh, phim hay có lãi thì thưởng, ngược lại phim dở không có khách thì phải phạt. Đã xa rồi cái thời phim truyền thống chỉ chiếu cho bộ đội hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa cho đồng bào xem.

Cần một tư duy mới trong suy nghĩ các nhà quản lý và người làm phim!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn