MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điện ảnh Việt Nam muốn vang âm trên trường quốc tế cần thay đổi cách làm. Ảnh: Trần Thi

Điện ảnh Việt Nam muốn vang âm trên trường quốc tế cần thay đổi cách làm

Trần Thi LDO | 03/07/2024 15:50

Tại hội thảo Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam được tổ chức ngày 3.7 trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần II, PGS. TS Hoàng Cẩm Giang - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã chỉ ra những điểm mà điện ảnh Việt Nam cần học hỏi qua trào lưu Làn sóng mới Pháp.

“Nouvelle Vague” - “Làn sóng mới” - là cái tên mà thế giới đặt cho Pháp, với mục đích giữ gìn những giá trị truyền thống bằng cách tái tạo lại truyền thống, và tạo nên những di sản mới sẽ trở thành cổ điển cho mai sau.

Theo PGS. TS Hoàng Cẩm Giang, với các đạo diễn Làn sóng mới, việc sử dụng thành công chất liệu điện ảnh đã quyết định phần lớn thành công của một bộ phim.

Các đạo diễn Làn sóng mới luôn chăm chút cho từng cảnh quay, từng khuôn hình và vẫn không quên đưa vào đó những trầm tích của văn hóa truyền thống cùng những hình ảnh của đời sống đương đại.

Bà Giang cho rằng, điểm chung giữa đạo diễn độc lập Việt Nam (Síu Phạm, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp…) và các đạo diễn Làn sóng mới chính là việc đuổi theo ý tưởng, kể chuyện thông qua hình ảnh, âm thanh, thông điệp và sự phóng khoáng, trẻ trung, bứt phá trong ngôn ngữ điện ảnh.

Phim điện ảnh Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên phát hành 2010 là tác phẩm hạn chế tối đa lời thoại. Ảnh: TT

Điều dễ nhận thấy trong các tác phẩm như Chơi vơi; Đó hay Đây; Bi, đừng sợ; Đập cánh giữa không trung… là những câu chuyện hạn chế tối đa lời thoại và hoàn toàn không có lời dẫn chuyện như là sự chỉ đường của đạo diễn.

Việc tiết chế lời thoại, giảm chất liệu văn học bao giờ cũng có yêu cầu gai góc và khó khăn hơn: Đạo diễn phải biết cách kể chuyện bằng hình ảnh, bằng các chất liệu chuyên biệt của điện ảnh như âm thanh, góc máy, ánh sáng, ngôn ngữ trình diễn…

“Nhìn lại những đón nhận của công chúng Việt Nam hiện nay với những bộ phim độc lập trên, có thể lí giải sự phản ứng mạnh mẽ của họ. Khi khoảng cách thẩm mỹ giữa tác phẩm và của người xem lớn, người xem sẽ cảm thấy không hiểu được tác phẩm, và đi đến kết luận tác phẩm là một sự thất bại về nghệ thuật”, bà Giang nhận định.

Rừng Nauy của đạo diễn Trần Anh Hùng phát hành năm 2010 gặt hái nhiều thành công trên trường quốc tế. Ảnh: TT

Khi những bộ phim như Rừng Nauy, Chơi vơi hay Bi, đừng sợ bắt đầu xuất hiện và gặt hái nhiều thành công trên trường quốc tế, thì cả một hệ thống phim cổ điển, truyền thống của Việt Nam cũng không thể vang âm theo cách cũ được nữa.

"Sự theo đuổi mục tiêu cách tân một nền nghệ thuật đã cũ thường có hai hệ quả, hai lối đi: hoặc do vấp phải sự phản ứng quá lớn của công chúng mà bản thân tác giả cách tân sẽ chùng lại, quay về chiều chuộng công chúng; hoặc tác giả vẫn quyết theo con đường đã chọn, dần dần chính công chúng hiện tại sẽ tự điều chỉnh cách đón nhận để rút ngắn khoảng cách thẩm mỹ với tác phẩm", PGS. TS Hoàng Cẩm Giang cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn