MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảnh phim "Con đường có mặt trời" của đạo diễn Vũ Anh Nhất - Điện ảnh Quân đội Nhân dân. Ảnh do ĐAQĐND cung cấp

Điện ảnh Việt vượt “sóng thần”

Việt Văn LDO | 30/01/2022 13:30

Trong bối cảnh các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội đều bị lao đao, khủng hoảng thời dịch bệnh, điện ảnh Việt dĩ nhiên không thể thoát khỏi vòng xoáy đó. Tuy nhiên hơn bao giờ hết, khát vọng tự cường vươn lên có dịp được phát huy tối đa, để có những phim Việt phá kỷ lục doanh thu phòng vé Việt, thậm chí đánh bại cả doanh thu một số “bom tấn” ngoại trước đó, để khẳng định tình yêu phim Việt không bao giờ chết!

Sóng gió

Điện ảnh Việt Nam đã trải qua một năm sóng gió và đầy rẫy khó khăn khi ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề đến nguồn phim, kế hoạch sản xuất, phát hành phim. Những đợt bùng phát dịch bệnh chả khác gì những con “sóng thần” liên tiếp.

Các rạp phim bị đóng cửa, phim làm xong phải liên tục dời lịch chiếu hết lần này sang lần khác và hiện nhiều phim vẫn nằm kho chờ ngày ra rạp. Vào giữa năm, một số đơn vị trong thị trường phát hành và chiếu phim Việt Nam với những “đại gia” như CGV, Lotte Cinema và Thiên Ngân (Galaxy), BHD Việt Nam phải ký vào văn bản gửi Thủ tướng xin hỗ trợ về thuế, lãi vay, gia hạn nộp bảo hiểm, ghi nhận chiếu phim là hoạt động thiết yếu và sớm cho rạp chiếu phim được hoạt động trở lại…

Khi doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, thì họ vẫn phải “oằn lưng” chịu các chi phí thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên.

Sau đó, nếu như các rạp chiếu ở các tỉnh thành lác đác được mở thì ở hai thị trường lớn nhất cả nước Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh vẫn đóng cửa cho đến tận cuối tháng 11. TP.Hồ Chí Minh được mở trước vào ngày 19.11 và doanh thu sau ba ngày chiếu chưa đến 5 tỉ đồng cho thấy sự sụt giảm kinh khủng...

Ngay trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 tại Huế, 4 rạp chiếu phim được mở cửa phục vụ khán giả xem các phim toàn cảnh và dự thi thế nhưng rất ít khán giả đến rạp, có phim chưa đến 10 người xem. Thực tế ngậm ngùi nếu nhớ lại thời điểm “Mắt biếc” của Victor Vũ làm mưa làm gió tại các rạp chiếu ở Huế trước đó.

“Bố già” và tính thời điểm

Doanh thu phim Việt cao nhất mọi thời đại hơn 400 tỉ đồng thuộc về “Bố già” của cặp đôi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng và Trấn Thành khi phát hành vào tháng 3.2021. Một phim gây xuýt xoa, tấm tắc của bao người, kể cả một số nhà biên kịch, đạo diễn Việt cũng gật đầu thừa nhận vì cách kể chuyện dung dị, pha lẫn bi-hài cũng như về tính nhân văn của phim. Tuy nhiên phải thấy “Bố già” ra mắt quá đúng thời điểm, khi mà khán giả đang “khát” phim, khi không có phim ngoại “khủng” cạnh tranh và cả chiến dịch PR rất hiệu quả, từ việc Trấn Thành liên tục quảng bá phim từ tháng 1 trên FB cá nhân. “Bố già” đã tạo nên một cột mốc kỷ lục và tạo ra cú hích cho điện ảnh Việt trong cơn dịch bệnh. Dù về nghệ thuật, “Bố già” không phải quá xuất sắc và thành công doanh thu của nó có tính thời điểm và dĩ nhiên không thể quên yếu tố may mắn như chính Trấn Thành thừa nhận.

“Mắt biếc” của Victor Vũ với doanh thu trên dưới 175 tỉ đồng cũng là một kỷ lục, nó cho thấy cái duyên của một đạo diễn trong top “ông vua phòng vé” đồng thời cũng cho thấy sự lãng mạn, nhẹ nhàng, man mát của một mối tình kéo dài từ tuổi học trò qua năm tháng trên nền một bối cảnh đẹp cổ xưa, còn nhiều dấu vết của những trầm tích văn hóa...

Duyệt phim theo Luật

Năm 2021 cũng là năm mà cụm từ “hội đồng duyệt” được tìm kiếm khá nhiều và chiếc ghế Hội đồng duyệt phim quốc gia ngồi thực sự là ghế “nóng” hơn bao giờ hết. Nhất là trong bối cảnh dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua để tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cho các nhà làm phim, tránh khỏi những bất cập và thực sự đi cùng với đời sống điện ảnh đương đại. 

Có một số ý kiến cực đoan nhằm vào Hội đồng duyệt phim truyện và cho là Hội đồng bảo thủ, cứng nhắc, thích “cắt  là cắt”, thích "cấm là cấm". Tuy nhiên đúng như lời GS-TS Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia - nhấn mạnh: Hội đồng đều làm theo Luật Điện ảnh. Tất cả mọi quyết định đều căn cứ theo luật.

Có thực tế là luật bao giờ cũng đi kèm những văn bản thông tư hướng dẫn cụ thể, nhưng bản thân rất nhiều đạo diễn, nhà làm phim Việt không hề đọc, nghiên cứu nó mà chỉ kêu luật chung chung, không rõ ràng.

Trong khi các văn bản thông tư dưới luật đều quy định, hướng dẫn cụ thể những tiêu chí để Hội đồng duyệt phim căn cứ vào đó phân loại phim theo độ tuổi.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) chắc chắn sẽ có những điểm mới mẻ. Và nó sẽ được áp dụng vào năm 2022.

Công nghiệp điện ảnh Việt bắt đầu từ nhân lực

Khi Chính phủ đã xác định điện ảnh không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là sản phẩm kinh tế thì yếu tố doanh thu là hết sức quan trọng. Có thể thấy rõ điều đó khi các Bông sen Vàng, Bông sen Bạc thể loại phim truyện điện ảnh của Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 22 thuộc về “Mắt biếc” và “Bố già”. Ở đây còn có vấn đề hậu LHP khi “Mắt biếc” thành công càng tạo ra sự quảng bá cho Huế đã và đang trở thành bối cảnh phim trường cho nhiều đoàn làm phim.

Công nghiệp điện ảnh phải bắt đầu từ nhiều yếu tố, trong đó có sự đồng bộ của các khâu trong quy trình sản xuất phim. Nhìn vào các giải cá nhân tại LHPVN có thể thấy kịch bản thuần Việt đang khủng hoảng trầm trọng. “Tiệc trăng máu” - 1 phim remake của Nguyễn Quang Dũng (Dũng “khùng”) đoạt doanh thu rất cao khoảng 180 tỉ đồng phần lớn ở kịch bản ngoại quá hay và mang tính toàn cầu, khi mỗi cá nhân đều có thể soi mình vào nhân vật trong phim. Chỉ cần “bê” gần y nguyên kịch bản phim lên màn ảnh, thậm chí chả cần thay thoại là “ngon” dĩ nhiên cái tài lớn nhất của Dũng “khùng” ở đây chính là con mắt xanh chọn diễn viên rất hợp vai, ai nấy đều tung hứng hoàn hảo trong vai của mình.

Trong số các phim dự thi LHPVN 22 ngoài kịch bản phim “Bố già” có kịch bản phim “Khúc mưa” của nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung là hay. “Khúc mưa” đã đề cập đến câu chuyện phim về vấn đề rất khó: Hòa giải dân tộc.

Chúng ta thiếu những kịch bản hay về phim truyện điện ảnh đặc biệt là về đời sống đương đại hôm nay với những vấn đề nóng bỏng.

Mọi mục tiêu, dự định đều phải bắt đầu từ con người. Việc đào tạo nhân lực cho điện ảnh Việt là câu chuyện quan trọng. Một lớp đạo diễn, diễn viên trẻ và đang độ chín xuất hiện và đem lại luồng gió mới. Từ các đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Bảo Nhân, Nam cito, Bùi Kim Quy… cho đến các diễn viên như Thu Trang, Kaity Nguyễn, Tuấn Trần…

Tuy nhiên, hai khâu quan trọng không kém là quay phim và kỹ xảo điện ảnh lại chưa mạnh. Việc một số quay phim nước ngoài giành giải cá nhân tại LHPVN 22 và việc bỏ trống không trao giải kỹ xảo phim truyện điện ảnh là minh chứng rõ nét. Một số thể loại khác của điện ảnh như phim hoạt hình và phim khoa học, chưa thấy sự xuất hiện của những cái tên mới thực sự là niềm hy vọng của điện ảnh Việt mà loanh quanh chỉ là những cái tên cũ. Những gương mặt mới với niềm khát khao cháy bỏng và năng lực sáng tạo đang ở đâu?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn