MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nhân Hải Phòng 40 năm tìm kiếm, lưu giữ bảo vật

Lương Hà LDO | 10/02/2023 09:16

Hơn 40 năm qua, ông Trần Đình Thăng - doanh nhân ở Hải Phòng - đã lặn lội khắp nơi để tìm những cổ vật giàu giá trị văn hóa. Đến nay ông đã có một kho tàng cổ vật và có nhiều hiện vật trong đó được công nhận là bảo vật quốc gia.

Đam mê văn hoá nghệ thuật từ nhỏ

Là người đam mê văn hóa nghệ thuật từ nhỏ, ông Thăng kể rằng, ông từng có thời gian học tập và sau đó làm việc nhiều với người nước ngoài. Đây chính là cơ hội đã giúp ông có điều kiện để dung nạp, bổ trợ kiến thức và nguồn tài chính thực hiện niềm đam mê với đồ cổ.

"Có thể là may mắn với tôi khi sớm nhận ra di sản văn hóa, cụ thể là cổ vật - tài sản hiện thực phản ánh đời sống của một người hay lớn hơn là của cộng đồng, dân tộc trong một thời điểm cụ thể. Khi tôi bước vào sưu tập nghiên cứu sâu lĩnh vực này, rất ít người nhận thức được cổ vật nào quý, giá trị mà thế giới đánh giá cao. Và đây cũng xem như cơ hội với tôi khi tìm mua được những hiện vật hiện có trong bộ sưu tập hiện nay" - ông Thăng nói.

Không gian trưng bày  Cổ vật thuộc nhà nước Đại Việt (thế kỷ 11 - thế kỷ 19). Ảnh: Lương Hà

Theo ông Thăng, để thực hiện việc nghiên cứu sưu tập đầu tư vào cổ vật, ông may mắn được hai nhà nghiên cứu cổ vật (gốm, sứ, đồng) là Ngài Motohiko Yamazaki – Đại diện Trưởng hãng TOYOTA tại Việt Nam và Ông Nguyễn Bá Thanh Long – Nhà nghiên cứu cổ vật và là Ủy viên BCH Hội Di sản văn hóa Việt Nam hướng dẫn, chỉ bảo và cùng nhau vạch ra hướng sưu tập cổ vật có giá trị hiện đang lưu hành tại lãnh thổ Việt Nam.

Gia tài đồ cổ của ông hiện nay có rất nhiều loại, các hiện vật thể hiện sâu sắc nét văn hóa bản địa Việt Nam, Trung Hoa hay quốc gia khác, với định hướng, ưu tiên số một là cổ vật của dân tộc.

Ông Trần Đình Thăng - Tổng thư ký Hội Cổ vật Hải Phòng, người sở hữu 15 Bảo vật quốc gia trong bộ sưu tập tư nhân An Biên. Ảnh: Lương Hà 

"Chưa khi nào tôi thống kê mình có bao nhiêu cổ vật. Vừa qua tôi lựa ra hơn 500 hiện vật lập hồ sơ khoa học đăng ký với cơ quan nhà nước. Hiện vật gồm các chất liệu: Gốm, đồng, sứ, gỗ với nhiều loại hình có niên đại từ thế kỷ 5 trước Công Nguyên tới thế kỷ 19" - ông Thăng cho hay.

Người sở hữu 15 hiện vật quốc gia

Theo đó, bộ sưu tập mang tên “Cổ vật An Biên” được lưu giữ, trưng bày tại nhà riêng của ông, chia theo bốn không gian văn hoá gồm: Cổ vật thuộc nhà nước Đại Việt (thế kỷ 11 - thế kỷ 19), Cổ vật Trung Hoa (thế kỷ 9 -  thể kỷ 19), Cổ vật thời Bắc thuộc (thế kỷ 5 trước Công Nguyên - thế kỷ 9) và nghệ thuật Phật giáo (tượng Phật gỗ, đá thế kỷ 17 - thế kỷ 19).

9 hiện vật có từ triều Lý gồm bốn ấm, hai liễn và ba đĩa được đánh giá là đạt đỉnh cao nghệ thuật chế tác được công nhận Bảo vật quốc gia ngày 21.12.2021. Ảnh: Lương Hà
 6 bảo vật quốc gia nằm trong bộ sưu tập tư nhân An Biên được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định công nhận ngày 30.1.2023. Ảnh: Lương Hà

Năm 2021 và 2022, ông Thăng liên tiếp có 2 nhóm hiện vật (gồm 9 hiện vật có từ triều Lý và 6 hiện vật thời Lý, Lê sơ) được Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia

"Đây là niềm vui lớn đầy tự hào, hạnh phúc của tôi và gia đình. Bởi công sức, kinh tế đầu tư cho di sản được Nhà nước ghi nhận. Đó như một phần thưởng vô giá, nguồn khích lệ, động lực cho tôi bước tiếp trên hành trình đến với di sản cổ vật" - ông Thăng bộc bạch.

Hiện nay, để Bộ sưu tập tư nhân An Biên tỏa sáng, phát huy giá trị lớn hơn nữa, ông Thăng đang hướng tới một không gian trưng bày được cơ quan chuyên môn, bảo tàng hoặc một tập đoàn đầu tư văn hóa du lịch cộng tác, liên kết quảng bá, giới thiệu với cộng đồng xã hội trong nước và quốc tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn