MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyện đảo Lý Sơn được xem là “thỏi nam châm” thu hút khách đến Quảng Ngãi, thích hợp để phát triển kinh tế đêm. Ảnh: Bùi Thanh Trung

Doanh thu du lịch của Quảng Ngãi chưa cao, mỗi du khách chỉ tiêu chưa đến 1 triệu đồng

Ngọc Viên LDO | 28/09/2023 08:01

Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, thúc đẩy hoạt động du lịch. Tuy nhiên, các dịch vụ về đêm ở Quảng Ngãi hiện nay còn hạn chế ở tất cả các mặt. Vì vậy, trung bình mỗi du khách đến Quảng Ngãi chỉ chi tiêu vỏn vẹn 965.000 đồng.

Thiếu dịch vụ du lịch đặc sắc

Thống kê của Bộ VHTTDL, mỗi du khách đến Khánh Hòa chi tiêu 5,3 triệu đồng (thuộc top đầu cả nước); con số này là 4,52 triệu đồng/khách tại TP Hồ Chí Minh, còn tại Quảng Ngãi chỉ vỏn vẹn 965.000 đồng/khách. Điều đó cho thấy, Quảng Ngãi rất ít dịch vụ du lịch đặc sắc để du khách tiêu tiền.

Thường xuyên về Quảng Ngãi công tác, anh Nguyễn Văn Tuyến ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Mình hay về Quảng Ngãi để quan hệ với đối tác, mở rộng hoạt động kinh doanh. Mình thấy hụt hẫng vì các dịch vụ du lịch về đêm ở TP Quảng Ngãi hầu như không có.

Thời tiết ở Quảng Ngãi ban ngày khá nóng, ban đêm mát mẻ, nên phát triển các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí… về đêm là hợp lý. Tuy nhiên, ban đêm ở TP Quảng Ngãi tẻ nhạt, hầu như không có hoạt động gì. Buổi tối ăn xong không biết đi đâu để vui chơi giải trí…”.

Chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tuyến cũng là nỗi niềm của nhiều du khách khi đến Quảng Ngãi.

Ban ngày du khách ở Quảng Ngãi có thể khám phá đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khê và nhiều danh lam thắng cảnh khác, nhưng ban đêm du khách không biết đi đâu để hưởng thụ dịch vụ du lịch.

Theo tính toán của các doanh nghiệp lữ hành, chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu toàn bộ hành trình. Nhưng ở Quảng Ngãi thiếu vắng hoạt động văn hóa - nghệ thuật, sân khấu, ca nhạc, lễ hội, sự kiện… nên đã bỏ qua doanh thu lớn từ kinh tế ban đêm.

Quảng Ngãi cũng từng có chợ đêm Sông Trà nằm bên dòng sông Trà Khúc, ra đời năm 2011, thu hút đông du khách và người dân địa phương. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm hoạt động, chợ đêm được đánh giá gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến tuyến đê, nên năm 2021, chợ này đã bị chính quyền dẹp bỏ.

Ông Nguyễn Hữu Hoa - nhà đầu tư khu du lịch Suối Chí ở huyện Nghĩa Hành cho rằng, Quảng Ngãi đang thiếu các dịch vụ để du khách “tiêu tiền” về đêm. Ở khu vực quy hoạch công viên Thiên Bút (TP Quảng Ngãi) cần thực hiện bổ sung thêm trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp chợ đêm.

Tiềm năng chờ được “đánh thức”

Hạ tầng du lịch của Quảng Ngãi còn hạn chế, tuy nhiên có hai địa điểm thích hợp trong phát triển kinh tế ban đêm hiện nay là TP Quảng Ngãi và đảo Lý Sơn.

Ông Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, TP có khu đô thị Ngọc Bảo Viên hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản với công viên cảnh quan hồ trung tâm khá đẹp. Ở khu vực này có thể xây dựng một khu chợ đêm với nhiều dịch vụ như ăn uống, bày bán các sản phẩm du lịch độc đáo…

Từng có bài nghiên cứu “Giải pháp phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh Quảng Ngãi”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Huyền - công tác tại Trường Đại học Tài chính - Kế toán - cho hay, trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ xem xét nghiên cứu quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm tại các khu vực có tiềm năng, như huyện đảo Lý Sơn, TP Quảng Ngãi.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lệ Huyền cho biết: “Tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông, từng bước đáp ứng các yêu cầu để phát triển du lịch. Tỉnh này cũng vừa thông qua quy hoạch Quảng trường biển, phát triển du lịch sinh thái tại vùng biển Mỹ Khê, TP Quảng Ngãi). Bên cạnh đó, đầu tư phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo; đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, tạo điều kiện quy hoạch phát triển du lịch”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn