MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Độc chiêu” săn bắt, thuần dưỡng voi của người Tây Nguyên xưa

Bảo Trung LDO | 08/01/2020 08:45

Người Mnông nổi tiếng với việc săn bắt và thuần dưỡng voi. Để săn và thuần dưỡng một con voi rừng phải mất rất nhiều thời gian công sức và có thể nguy hiểm đến tính mạng...

Trước đây, thuần dưỡng voi là một hoạt động quan trọng của người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk. Đầu thế kỷ XX, mỗi năm tại Đắk Lắk có thêm khoảng 30 con voi rừng được người dân thuần hóa, trở thành người bạn thân thiết, như một thành viên trong gia đình. Nổi tiếng nhất với nghề săn voi phải kể đến người Mnông ở huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk).

Hiện, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đang trưng bày hơn 15 mẫu dụng cụ dùng để săn bắt, thuần dưỡng voi của người Mnông hồi đầu thế kỷ XX. Ảnh: B.T

Nhiều người dân ở đó cho hay, mỗi chuyến săn voi thường kéo dài trong nhiều ngày cùng với thợ chính, thợ phụ cùng với sự tham gia của 5 đến 10 con voi nhà. Trong bộ dụng cụ săn voi, có những loại dây khác nhau làm bằng mây và da; riêng bộ dây da cần da khoảng 3 đến 4 con trâu mới có thể bền và giữ chắc được voi.

Bộ bành voi và mái che dùng, người thợ để hàng hóa, thức ăn lúc săn voi trong rừng già. Ảnh: B.T
Bộ da trâu đệm lưng voi, sào lụa thòng lọng để bẫy vào chân voi.

Căn cứ những bộ đồ dùng để săn và thuần dưỡng voi đang được trưng bày tại bảo tàng có thể thấy công việc săn voi của người Tây Nguyên xưa không hề đơn giản, thực sự gian nan và nguy hiểm.

Cảnh người dân chuẩn bị lên đường vào rừng săn voi. Ảnh tư liệu

Những người thợ săn voi đòi hỏi phải có kinh nghiệm và bản lĩnh. Những người dạy voi phải huấn luyện cho nó từng bước, ban đầu là kiềm chế, trấn áp kết hợp với sự trợ giúp của voi nhà. Tiếp đó dỗ, ép buộc và cho tập dần để voi quen với người.

Một buổi lễ cúng sức khỏe cho voi của người Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

Khi đưa những con voi rừng về, họ dùng rất nhiều dụng cụ để thuần hóa chúng. Trước tiên họ sẽ dùng một chiếc cùm tra vào hai chân trước hoặc hai chân sau của con voi, hạn chế bước di chuyển của chúng.

Bộ dây này cần đến da của 3, 4 con trâu với có thể đủ chắc, bền để săn voi. Ảnh: B.T

Sau đó dùng một chiếc cùm chữ V, trong cùm có rất nhiều gai nhọn và có thể mở ra và khép lại, họ tra cùm chữ V vào cổ con voi, rồi cột một sợi dây xuyên qua cùm chữ V cột trên những cành cây, khi con voi quật qua, quật lại thì cùm đó sẽ mở ra và khép lại những gai nhọn sẽ đâm vào cổ con voi, khiến nó đau đớn. Mục đích là để voi biết nghe lời, trở nên lành tính đi.

Bộ cùm cân, cùm cố có gai của những người thợ săn voi có kinh nghiệm lâu năm. Ảnh: B.T

Khi voi đã thuần hóa, trở nên lành tính, chủ voi sẽ tổ chức một nghi lễ nhập buôn. Từ đó, voi được coi như một thành viên trong buôn và được chủ voi làm lễ cúng sức khỏe hằng năm.

Áo vỏ cây của nài voi, những người thợ săn voi phải săn được ít nhất 70 con voi mới được phép mặc loại áo “đặc biệt” này.
Sừng trâu dùng để múc nước và chuông để đeo trên cổ voi.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, từ năm 2011 việc săn bắn, khai thác ngà voi đã chấm dứt hoàn toàn. Toàn tỉnh này hiện chỉ còn hơn 140 con voi (cả voi hoang dã lẫn voi nhà), trong đó còn đúng 44 cá thể voi nhà đang được bảo tồn. Trong những năm vừa qua, số lượng cá thể voi tỉnh này giảm sút chủ yếu do tuổi cao, trong khi lượng voi sinh sản còn rất hạn chế. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn