MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tháp Chăm định danh G1 Khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ảnh T.H

Độc đáo bộ mặt nạ Kala tháp G tại Khu di tích Mỹ Sơn

Trung Hiếu LDO | 05/03/2024 17:32

Số du khách đến tham quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 365 ngàn lượt, tăng hơn 300% so với năm 2022 là một con số chưa từng có từ ngày di tích mở cửa đón du khách.

Đặc biệt tại Mỹ Sơn hiện nay, con số du khách quốc tế luôn chiếm hơn 80% trong tổng số.

Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn nhận định, với sự giúp đỡ của Tổ chức UNESCO, chính phủ các nước Ý, Ấn Độ, Ba Lan… đến thời điểm này (3.2024), công tác trùng tu, tôn tạo hầu hết các nhóm tháp vốn là những phế tích tương đối hoàn chỉnh, bảo đảm sự bền vững cho đời sau.

Trong số này, nhóm tháp G nổi bật với bộ mặt nạ Kala (thần thời gian), gồm hơn 30 hiện vật là bộ mặt nạ độc đáo, duy nhất tập hợp đầy đủ và nguyên vẹn dưới chân tháp G1.

Kala (thần thời gian) dưới chân tháp G1, với cặp mắt lồi, hai má căng... Ảnh T.H

Kala là một mặt quái thú hai sừng, có cặp mắt lồi, hai tai nhỏ, mũi sư tử, đôi má căng, hàm răng lởm chởm với hai răng nanh dài.

Theo Ấn Độ giáo, Kala là hóa thân của thần Siva- hủy diệt và sáng tạo. Ảnh T.H

Theo Ấn Độ giáo, đó là biểu trưng của thần thời gian; là hóa thân của thần Siva, tượng trưng cho sự hủy diệt của thời gian, lẽ vô thường, sự vật luôn luôn biến đổi.

Vì vậy, điều đặc biệt ở đây, hơn 30 khuôn mặt Kala đều có đường nét điêu khắc khác nhau, từ đơn giản, đến phức tạp, đều đặc tả sự hung tợn, nhưng uy nguy, mang tính không trùng lặp.

Mặt nạ Kala đôi lúc được điêu khắc rất đơn giản. Ảnh T.H

Nhóm tháp G có 5 công trình trên ngọn đồi thấp. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo nhất Mỹ Sơn, có niên đại gần 1.000 năm. Theo bi ký lưu lại tại đây, nhóm tháp được vua Chămpa Jaya Harivarman cho xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XII để thờ thần Siva.

Bộ mặt nạ Kala độc đáo và duy nhất hiện nay còn tồn tại nguyên vẹn dưới chân ngôi tháp cổ. Ảnh T.H

Nhóm tháp G đã được các chuyên gia trùng tu Đại học Milan (Ý) trùng tu trong suốt 15 năm, đến nay đã hoàn chỉnh.

Bên trái tháp G1 còn có tượng Yoni đặt trên đài thờ với nhiều núm vú bao quanh tượng trưng cho sự phồn thực. Đây là tác phẩm điêu khắc sinh thực khí nữ còn nguyên vẹn, có hình khối lớn nhất ở Mỹ Sơn, làm cho tháp G1 thêm phần đặc sắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn