MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mâm cỗ ngày Tết của người Mường Hoà Bình thường được bày biện trên lá. Ảnh: Khánh Linh

Độc đáo mâm cỗ lá ngày Tết của người Mường Hoà Bình

Khánh Linh LDO | 22/01/2023 17:22
Cỗ lá là một trong những nét độc đáo không thể thiếu trong ngày Tết của người Mường Hoà Bình.

Ngày đầu năm mới, PV đã có mặt tại vùng Mường Động, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình, thưởng thức mâm cỗ lá của bà con người Mường nơi đây. 

Nhanh tay sắp mâm cỗ lá cho bữa cơm ngày đầu năm mới, anh Bùi Văn Huy (xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi) chia sẻ: “Cỗ lá của người Mường không biết có từ khi nào, nhưng theo như ông bà mình kể lại thì bắt nguồn từ xa xưa, khi cuộc sống còn khốn khó, bát đĩa hạn chế nên người Mường thường bày đồ ăn trên lá và thói quen đó được duy trì cho đến ngày nay”. 

Theo anh Huy, tất cả món ăn, trừ canh và nước chấm sẽ được bày biện trên lá chuối, lá sung thay vì bát, đĩa. Lá lót cỗ là lá cây chuối rừng. Khác với chuối thông thường, chuối rừng được trồng trên những sườn đồi dốc thoải, cây to, mọng nước. Đặc biệt, lá to, màu xanh đậm, có phần dẻo dai hơn lá chuối bình thường và có mùi thơm đặc biệt. 

  Cỗ lá ngày Tết thường được nhiều người cùng nhau chuẩn bị.

“Trên mâm cỗ lá thường có các món như: Rau đồ, canh loóng chuối (cây chuối non), chả lá bưởi, thịt lợn luộc, cá hấp. Độc đáo nhất là món chả lá bưởi, Tết đến mà nhà nào chưa có chả lá bưởi không phải Tết. Món này chế biến cũng không quá cầu kỳ, nhưng hương vị lại đậm đà khó quên lắm” - anh Huy bộc bạch. 

Canh loóng là món ăn được nấu từ thân cây chuối non và nước luộc thịt hoặc hầm xương. Vị ngọt từ nước luộc cộng thêm vị thanh mát của cây chuối non thái mỏng, thêm chút lá lốt rừng tạo nên hương vị khó quên. 

Theo nhiều người dân nơi đây, trước đây, cỗ lá chỉ đơn giản là các món luộc chấm muối trắng hoặc muối hạt dổi - một trong những gia vị nổi tiếng vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, qua thời gian, cỗ lá được bổ sung thêm các loại món ăn làm phong phú, đa dạng hơn, cũng để phù hợp hơn với nhu cầu ẩm thực hiện đại nhưng vẫn không làm mất đi nét truyền thống vốn có. 

Ông Bùi Văn Đạt (xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi) cũng cho hay: “Ngoài chả lá bưởi làm nên “hồn” của cỗ lá ngày Tết, thì canh lóong, xôi nếp nương, muối hạt dổi cũng là những thứ không thể thiếu”.

Những hạt xôi thơm dẻo, khô ráo được đồ trong cuốp (chõ đồ xôi bằng gỗ), đổ ra, gói vuông vắn bên trong lá chuối. Khi ăn mở ra, mùi xôi hoà quyện cùng mùi lá chuối sẽ khiến người ăn cảm nhận được một hương vị rất Tây Bắc. 

  Theo thứ tự sắp xếp cỗ lá, nội tạng sẽ được đưa lên phía trên, phần thịt và các món phụ xếp phía dưới. 

“Để có mâm cỗ hoàn chỉnh, người  Mường sẽ sắp xếp cỗ theo một thứ tự nhất định. Nội tạng động vật sẽ được xếp lên phía trên, thịt, rau và các món phụ sẽ xếp xuống phía dưới. Khi ăn, sẽ ăn từ trên xuống, gia chủ sẽ gắp mời mọi người phần nội tạng, các phần còn lại ai muốn ăn món nào sẽ tự lấy.

Trước khi ăn, mọi người sẽ rót rượu và nâng chén lên cao quá đầu, sau đó cúi xuống với ý mời người trên dùng trước. Các mâm cỗ cũng được đặt theo thứ tự vai vế, mâm nào đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà như cửa sổ sẽ dành cho người lớn tuổi trong gia đình. Tiếp đó đến những người còn lại” - ông Đạt cho hay. 

Ngày đầu xuân, ngồi quây quần bên mâm cỗ lá, nhấp một chén rượu thơm nồng trong tiết trời se lạnh như đang cảm nhận được cả tinh hoa đất trời Tây Bắc. Mọi nỗi niềm năm cũ dường như được bỏ lại, ai cũng mong ước năm mới đến, vạn sự sẽ được tròn đầy như mâm cỗ lá được bày lên. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn