MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghệ nhân Bùi Quý Phong cùng chiếc mặt nạ thời gian cỡ đại. Ảnh: Son Ca

Độc đáo mặt nạ không mắt tại Hội An

Nguyễn Linh LDO | 21/01/2023 14:56

Về Hội An, ngoài lồng đèn, điệu hò bài chòi và những bức tường vàng như một biểu tượng của thành phố cổ này thì Mặt nạ thời gian của nghệ nhân Bùi Quý Phong, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đang dần trở thành một điểm hẹn mới của du khách tại Hội An.

Mặt nạ không mắt

Bên cạnh những nét văn hóa nghệ thuật truyền thống, TP Hội An còn là một điểm đến để lại nhiều ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước.

Đến với Hội An du khách sẽ được nhìn thấy một thành phố cổ lung linh sắc màu với những con người ân tình thuần hậu. Nơi đây từng được mệnh danh là thương cảng sầm uất nhất nước. Vì vậy ngoài những giá trị truyền thống vốn có, TP Hội An còn là nơi du nhập của nhiều luồng văn hóa từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản....

Mặt nạ thời gian của nghệ nhân Bùi Quý Phong được kết hợp giữa nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng và mỹ thuật hiện đại. Lý giải về tên gọi Mặt nạ thời gian, nghệ nhân Bùi Quý Phong giải thích những hình vẽ xuất phát từ khoảnh khắc, câu chuyện của chính người mua nó, khoảng thời gian đó sẽ ngưng đọng trên mỗi chiếc mặt nạ của du khách.

Chiếc mặt nạ thời gian được lấy ý tưởng từ chiếc mặt nạ tuồng, tuy nhiên các họa tiết trên chiếc Mặt nạ thời gian lại có những nét chấm phá mới, kiểu cách hiện đại mang những thông điệp mà nghệ nhân Bùi Quý Phong muốn truyền tải.

Đa dạng các kiểu dáng hình vẽ của mặt nạ thời gian. Ảnh: Son Ca

“Điều đặt biệt tạo nên chiếc mặt nạ thời gian là ở những thông điệp được thể hiện trên mỗi chiếc mặt nạ. Hơn 30 năm sáng tạo mặt nạ thời gian, hầu hết những chiếc mặt nạ của tôi đều không có mắt, đó còn là một bức tranh”, nghệ nhân Bùi Quý Phong chia sẻ.

Cầm chiếc mặt nạ có khuôn mặt của một cô gái, người nghệ nhân giải thích: “Mọi người khi đến với nhau đều phải có một chiếc thang, đó là chiếc thang của tình thương, của sự cảm mến. Trong đôi mắt của cô gái này tôi đã vẽ một chiếc thang để nói mới mọi người rằng giữa con người với con người muốn gặp gỡ, trò chuyện đều có một chiếc thang vô hình kết nối với nhau, không tự nhiên mà chúng ta lại có thể ngồi đây và trò chuyện một cách say sưa như vậy”.

Có thể nói, dù chiếc mặt nạ của nghệ nhân Bùi Quý Phong không có đôi mắt nhưng nó có thể thể hiện được vô vàn những sắc thái biểu cảm khác nhau.

Tuy nhiên, người nghệ nhân này chỉ muốn truyền những thông điệp tích cực, thiện lành đến với công chúng, khán giả nên hầu hết các mặt nạ đều mang một vẻ đẹp tươi vui, ý nghĩa sâu sắc hướng con người đến những điều thiện lành và tốt đẹp.

Các mặt nạ mang sắc thái giận dữ, buồn bã hay không tốt lành đều được hạn chế sáng tác trong các tác phẩm mặt nạ của người nghệ nhân này.

Không chỉ là một chiếc mặt nạ

Hơn 30 năm làm nghề với biết bao chiếc mặt nạ được sản xuất nhưng chưa bao giờ khách hàng có thể tìm ra được hai chiếc mặt nạ giống nhau. Có thể nói, mỗi chiếc mặt nạ đều là phiên bản duy nhất mà nghệ nhân Bùi Quý Phong tạo ra.

Những chiếc mặt nạ chủ yếu thể hiện tình mẫu tử, tình cảm gia đình, phong cảnh Hội An, ngày xuân hay đơn giản chỉ là một góc phố nhỏ.

Khi được hỏi về ý nghĩa của hình vẽ trên chiếc mặt nạ, nghệ nhân Bùi Quý Phong cho biết: “Tôi không chỉ xem đó là một chiếc mặt nạ mà còn là một bức tranh nhỏ. Tôi mong rằng những khách hàng có được chiếc mặt nạ của tôi sẽ nâng niu và trân trọng như một bức tranh chứ không phải chỉ đơn giản là một chiếc mặt nạ khi chán rồi thì vứt bỏ”.

Những chiếc mặt nạ không mát như một bức tranh nhỏ. Ảnh: Nguyễn Linh

Chính vì vậy chiếc mặt nạ không mắt đó đã mang theo cả những tâm tư, tình cảm của người nghệ nhân đến khắp mọi miền tổ quốc.

Ở cái tuổi xế chiều, đôi bàn tay có phần hơi run nhưng chưa bao giờ nghệ nhân Bùi Quý Phong nghĩ rằng sẽ từ bỏ cái nghề này.

Để làm nên một chiếc Mặt nạ thời gian, đầu tiên người nghệ nhân cần tạo khuôn mặt nạ bằng giấy sau đó quét thạch cao rồi phơi cho khô.

Sau khi chiếc mặt nạ khô, nghệ nhân Bùi Quý Phong sẽ phát thảo ý tưởng của mình lên khuôn bằng bút chì rồi để cho những người thợ của mình "đi" màu trên đó.

Mỗi gam màu được vẽ trên chiếc mặt nạ đều thể hiện ý nghĩa của mỗi thông điệp mà người nghệ nhân muốn truyền tải.

Hiện mỗi chiếc mặt nạ có giá 300.000 đồng, số tiền này hầu hết được dùng vào các công việc thiện nguyện mà nghệ nhân Bùi Quý Phong đang thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn