MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Độc đáo món bánh Tất niên dâng cúng tổ tiên của nghệ nhân miền Tây

YẾN PHƯƠNG LDO | 08/01/2023 14:00
Vào mỗi độ Tết đến xuân về, tại miền Tây có một món bánh rất đặc biệt được một nghệ nhân lưu giữ và trao truyền với tên gọi bánh “tất niên”, được dâng cúng đất trời, tổ tiên những ngày năm hết tết đến để cầu mong về cuộc sống sung túc, an khang.

Người gìn giữ và trao truyền món bánh “tất niên” ở miền Tây đó là nghệ nhân Dư Văn Sái (68 tuổi, Quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ). Bánh này nghe qua thấy lạ nhưng nó đã trở thành món bánh truyền thống suốt nhiều năm qua của gia đình ông.

Theo ông Sái, bánh Tất niên (bánh hết năm) được làm ra với ý nghĩa để dâng cúng đất trời vào những ngày năm hết tết đến, con cháu hướng về tổ tiên, ông bà, cầu mong về một cuộc sống sung túc, an khang trong năm mới.

 Những chiếc bánh "tất niên" (màu vàng) được làm vào mỗi dịp Tết ở miền Tây. Ảnh: Yến Phương

Ông Sái kể lại, ông theo cha học làm các loại bánh từ thuở còn đôi mươi. Đến năm 1980, ông nối nghiệp nghề làm bánh truyền thống của cha rồi giữ gìn, lưu truyền cho đến bây giờ.

Suốt quá trình làm nghề, ông đã học hỏi và sáng tạo ra một số loại bánh mới. Trong đó, bánh “tất niên” được xem là một loại bánh có ý nghĩa đặc biệt ngày Tết đối với gia đình ông.  

Ông Sái cho biết, để làm ra loại bánh này cũng khá kỳ công. Người làm bánh cần phải tỉ mỉ và khéo léo trong từng công đoạn nhỏ. Nguyên liệu để làm bánh chủ yếu là bột nếp và các loại mứt, dầu chuối, dầu bưởi. Đặc biệt, bột nếp phải chọn loại ngon nhất để làm.  

Trước tiên, người làm bánh lấy bột rang thật đều tay trên chảo nóng cho đến khi bột có mùi thơm, rồi pha bột với mật đường theo đúng tỉ lệ. Tiếp đó là khéo léo, kiên nhẫn dùng tay nhồi bột thật lâu để bột mịn và dẻo, rồi thêm chút dầu chuối, dầu bưởi (tự nhiên) để tạo mùi thơm cho bánh.

Khi đã chuẩn bị xong phần bột là tới công đoạn cán bột để làm vỏ bánh. Cần cán kĩ và mỏng đều. Sau đó thêm phần nhân vào bên trong. Đây là bánh ăn liền vì không phải hấp, nướng như các loại bánh thông thường khác.  

Cuối cùng là công đoạn tạo hình cho bánh. Hai loại thường được ông Sái làm đó là bánh tròn và bánh vuông. Bánh được tạo hình bằng khuôn có sẵn, trên đó có những họa tiết và hoa văn đẹp mắt. Mỗi loại bánh mang một ý nghĩa riêng.

 Mỗi loại bánh tròn và bánh vuông mang một ý nghĩa khác nhau. Ảnh: Yến Phương

Theo ông Sái, bánh vuông có vỏ bánh mềm và dẻo. Khi ăn cắt từng miếng nhỏ theo hình chữ nhật. Bánh này có hương thơm dịu nhẹ mùi dầu bưởi, có chút cay của gừng, vị the của hạnh, vị chua của khóm và chút béo của mè tạo nên hương vị rất độc đáo.  

Bánh tròn còn được gọi là bánh hạnh phúc, vì trong vòng tròn không có điểm đầu và điểm kết thúc, tượng trưng cho hạnh phúc trong năm luôn tràn đầy và bất tận.  

“Những chiếc bánh với các hình tròn, hình vuông mang ý nghĩa một năm vẹn toàn, sung túc. Vậy nên gia đình tôi luôn làm vào dịp Tết để dâng cúng đất trời, tổ tiên”, ông Sái phấn khởi nói.  

Năm nay, ngoài làm bánh “tất niên” để dâng cúng tại nhà thì ông Sái còn làm một lượng lớn đủ các loại bánh để bán trong dịp Tết như bánh dẻo cuộn đậu sầu riêng, bánh tổ,... riêng bánh “tất niên” có giá bán 40.000 đồng/cái.

 Nhiều loại bánh được ông Sái làm và bày bán trong dịp Tết năm nay. Ảnh: Yến Phương

Theo thời gian, bánh “tất niên” được nhiều người biết đến và tìm mua vào mỗi dịp Tết đến, để trưng bày trên mâm cơm cúng gia tiên cũng như bàn tiệc năm mới của các gia đình miền Tây.

Đất trời vào xuân, khắp 3 miền mai, đào, quất rộn ràng xuống phố, người người tất bật sắm sửa một cái Tết đủ đầy. Và chắc chắn những chiếc bánh truyền thống sẽ góp thêm phần ý nghĩa, ấm áp vào thời khắc lành lạnh giao mùa trong những ngày cuối năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn