MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mầm đá Tây Bắc nay đã trở thành một món đặc sản độc đáo không thể không thử mỗi khi đến vùng Tây Bắc. Ảnh: Khánh Linh

Độc đáo món “mầm đá” trên rẻo cao Tây Bắc

Khánh Linh LDO | 19/01/2023 19:01

Sơn La - Từ một món ăn bình dị trong bữa cơm của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc, món rêu “mầm đá” nay đã trở thành đặc sản nổi tiếng nơi đây. 

Rêu đá từ lâu đã trở thành món ăn gắn bó với đời sống ẩm thực của người dân vùng cao Tây Bắc. Món ăn này được gọi là “mầm đá” bởi chúng thường mọc trên những hòn đá nơi có dòng nước chảy qua.

Những ngày cuối năm, PV Báo Lao Động đã có dịp về huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Dọc 2 bên đường của Quốc lộ 37, đoạn qua xã Tường Phù, những nắm rêu được đóng thành từng bánh tròn bày bán cho khách qua đường và người dân các vùng lân cận.

Các lượt xe đi qua, hầu hết ai cũng dừng lại mua món đặc sản độc lạ này. Người ít thì vài ba nắm, người nhiều thì cả chục nắm. Với người con xa quê về nhà ăn Tết, rêu mang đậm hương vị tuổi thơ, vị quê hương mà mỗi khi đi xa không thể không nhớ về.

  Rêu được bán dọc Quốc lộ 37, đoạn qua xã Tường Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Khánh Linh

Nhanh tay nắm những nắm rêu xanh ngắn, tròn đẹp mắt, chị Lường Thị Thuý, trú tại xã Tường Phù, huyện Phù Yên chia sẻ: “Rêu này phải đi lấy ở thượng nguồn những con suối, cách đây từ 40 - 80km. Mỗi lần đi lấy mất cả ngày đường vì còn phải đi sâu vào trong rừng và phải lấy ở những chỗ nước chảy sạch”. 

Theo người phụ nữ dân tộc Thái này, thu hoạch rêu phải đi từ dưới lên, tránh làm đục nước, bẩn rêu. Sau khi thu hoạch, gỡ bỏ hết lá khô và tạp chất bám trên đó, người dân thường dùng chày gỗ hoặc chuôi dao đẻ đập rêu nhiều lần trên tảng đá to, sạch hoặc mặt thớt cứng. Tiếp đến, rêu được “giặt” sạch sẽ trong những chậu nước lớn, đến khi sạch thì nắm từng nắm tròn như chiếc bánh. 

Mỗi bánh rêu có trọng lượng khoảng 800g, được người dân nơi đây bán với giá 10.000 đồng/bánh.

  Những cọng rêu xanh ngắt, mọc trên đá nên thường được gọi là “mầm đá” vùng Tây Bắc.

“Cũng chẳng biết rêu xuất hiện trong bữa ăn của người Thái từ bao giờ, chỉ biết rằng trước đây người dân địa phương hái rêu suối về ăn, làm món rau trong bữa cơm gia đình. Dần dần khi món ăn này được người dưới xuôi biết đến nhiều hơn và họ ưa chuộng thì người ta lại thu hoạch rêu mang ra chợ bán. 

Rêu thường mọc ở các khu vực suối mát vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Tôi đã đi lấy rêu bán được 3-4 năm nay, ngày nào nhiều nhất cũng lấy được 90 nắm. Trung bình mỗi ngày thu nhập cũng được 300.000-400.000 đồng” - chị Thuý tâm sự.

  Rất nhiều người dừng xe lại để mua những bánh rêu về chế biến món ăn hoặc làm quà. 

Anh Cầm Văn Thanh - dân tộc Thái, trú tại xã Gia Phù, huyện Phù Yên cho biết: “Rêu mua về sau khi làm sạch lại lần nữa thì có thể chế biến thành nhiều món ăn như canh rêu, rêu nướng, rêu xào hành tỏi, nộm rêu. Mỗi món đều có vị ngon riêng và mang đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. 

Rêu cũng được nhiều gia đình nấu vào dịp Tết, khi con cháu về quây quần đông đủ, cùng thưởng thức món rêu truyền thống. 

  Rêu được nặn thành những bánh hình tròn, đẹp mắt.

Theo kinh nghiệm của người dân Tây Bắc, rêu có nhiều tác dụng như giúp hoạt huyết, giải độc, thanh nhiệt, chống cao huyết áp. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu chống được ngã nước, mụn nhọt, sốt rét, phong hàn. Người đi rừng khi uống nước mưa nước suối, ăn rêu sống hoặc rêu nướng sẽ chịu được cái lạnh.

Rêu chủ yếu là chất xơ còn có tác dụng giảm mỡ máu và là các món ăn tốt cho những ai muốn ăn kiêng. Không chỉ riêng người Thái, mà bà con các dân tộc Mường, Tày, Nùng, Mông ở Tây Bắc cũng rất ưa chuộng món rêu và chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn