MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh chân dung vẽ bằng cọ lửa trên nền vỏ tràm đang thu hút rất nhiều người.

Độc đáo nghệ nhân vẽ tranh bằng “cọ lửa”

NGUYÊN ANH LDO | 30/06/2020 17:05
Vỏ tràm là thứ tưởng chừng bỏ đi nhưng qua bàn tay khéo léo của người nghệ sĩ đã tạo ra những bức tranh khiến người xem trầm trồ. Đặc biệt hơn là những sáng tác chân dung không phải bằng cọ hay bút thông thường mà bằng bằng “cọ lửa” đã thu hút khá nhiều khách đặt mua.
Về vùng miệt thứ của tỉnh Kiên Giang, những cánh rừng tràm bát ngát là một điểm nhấn thu hút du khách gần xa. Ảnh: Nguyên Anh

Từ vỏ tràm thành tranh đi xuất ngoại

Vỏ tràm thường được người dân sử dụng làm chất đốt hoặc bỏ đi nhưng với anh Lê Hoàng Nhân ngụ xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang thì đó lại là một tài sản quý. Hơn mười năm theo đuổi dòng tranh này và giờ đây nó đã có mặt ở các quốc gia: Nga, Nhật, Ấn Độ... như là một quà tặng độc đáo.

Món quà đặc biệt mang đậm hơi thở hồn quê của vùng đất Nam bộ được bán cho khách trong, ngoài tỉnh, các du khách nước ngoài. Tranh vỏ tràm Miệt Thứ vinh dự được UBND tỉnh Kiên Giang chọn làm quà tặng Đại sứ quán Israel. Ảnh: Nguyên Anh

“Cọ lửa” là một cây mỏ hàn chì dùng trong sửa đồ điện tử. Để tạo hình một bức tranh trên vỏ tràm, người nghệ sĩ phải chấm từng nét đậm nhạt, tạo hình khối khuôn mặt và các điểm nhấn phải khéo léo và tinh tế vô cùng. Điểm khó của tranh chân dung cọ lửa là tạo ra đôi mắt và nụ cười chân thực, sinh động gần như truyền tải hết tinh thần ảnh gốc do khách cung cấp.

Để có những thành quả như hôm nay là cả một chặng đường dài theo đuổi đam mê và mong muốn đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới qua tranh vỏ tràm. Ngoài tranh phong cảnh, gần đây anh Nhân đã mày mò tạo ra những bức tranh chân dung vẽ bằng cọ lửa trên nền vỏ tràm.

Khách tham quan thích thú bên chân dung của mình được tạo từ vỏ tràm. Ảnh: Nguyên Anh

Anh Nhân tâm sự: Mong muốn của mình là thông qua tranh vỏ tràm giới thiệu phong cảnh, đặc trưng địa phương, những tiềm năng đi khắp nơi. Tràm không chỉ mang đến nguồn lợi kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt môi trường và nghệ thuật.

Tranh vỏ tràm thuộc thể loại xé, dán, chủ yếu sử dụng vỏ từ cây tràm lâu năm (khoảng trên 15 năm). Vỏ được phơi khô, bóc tách cẩn thận, các khâu chính là tạo mẫu, phác họa đường nét, sau đó lựa chọn sắp xếp vỏ tràm cho phù hợp bố cục tranh. Nghe có vẻ khá đơn giản nhưng để tạo ra một bức tranh ưng ý có khi phải mất cả vài tháng.

Tương lai cho dòng tranh thương hiệu “Vỏ tràm Miệt thứ”

Không chỉ một mình thỏa đam mê nghệ thuật anh Nhân còn hướng dẫn cho nhiều người yêu tranh và muốn học hỏi, anh cũng mong những hình ảnh thân thương của làng quê, của đất nước được nhiều người biết đến.

Anh Nhân cho biết: Say mê và thích thú nhưng không phải ai cũng học được. Loại tranh này đòi hỏi sự kiên trì, sự chịu khó, sáng tạo, và một cái tâm của người yêu tranh. Sự nhiệt thành từ tình yêu nghệ thuật chân chính luôn thôi thúc người yêu tranh tìm tòi, khám phá.

Một số bức tranh vỏ tràm mang hình ảnh làng quê quen thuộc. Ảnh: Nguyên Anh

Chia sẻ về dự định tương lai, anh Nhân cho biết: "Hiện tại thì tranh vỏ tràm cũng có mặt ở nhiều nước rồi, ở Châu Âu có, Châu Mỹ, Châu Úc, rồi một số quốc gia Châu Á cũng tương đối nhiều. Nhưng mà chủ yếu thông qua khách hàng mua tặng quà cho các đoàn ngoại giao, khách mua tặng cho người thân ở nước ngoài. Hiện nay tranh chưa có đối tác xuất khẩu, tới đây sẽ cố gắng tìm đối tác phù hợp để xuất tranh trực tiếp ra nước ngoài".

Theo anh Nhân, rừng tràm lâu nay là một nguồn lợi lớn mà chúng ta chưa khai thác triệt để. Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục phát triển dòng tranh vỏ tràm để nhiều người học làm tranh. Bên cạnh đó anh sẽ tiếp tục thử nghiệm thêm các dòng tranh mới bằng chất liệu bẹ chuối, năn, sậy... để làm phong phú thêm nguồn nguyên liệu sẵn có  tại địa phương lại thân thiện môi trường. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn