MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Quán tự giác” - nét độc đáo của người Mường Ao Tá tại xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình hấp dẫn du khách gần xa.

Độc đáo "quán tự giác" giữa vùng lòng hồ Hòa Bình

Khánh Linh LDO | 14/05/2022 06:00
Hòa Bình - Những "quán tự giác" - quán bán hàng nhưng không có người thu tiền - ở vùng lòng hồ Hòa Bình từ lâu đã trở thành nét độc đáo, níu giữ chân du khách mỗi khi đến với mảnh đất này.

Một ngày giữa tháng 5.2022, có mặt tại xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, những áng mây trắng bồng bềnh trên đỉnh núi hòa cùng làn nước trong xanh của dòng sông Đà uốn lượn khiến bản Mường Ao Tá đẹp hơn bao giờ hết. 

Những "quán tự giác" nằm đơn sơ ở ven đường với các loại hàng hoá đặc trưng của địa phương được bày bán. Những quán này không có người bán hàng, cũng không có người trông coi, chỉ có hàng hoá với bảng giá được ghi cụ thể và một chiếc giỏ để người mua bỏ tiền vào đó.

Theo lời kể của nhiều cụ cao niên trong xóm Đức Phong, "Quán tự giác" đã có từ rất lâu và trở thành một phần quan trọng trong nhịp sống của người Mường Ao Tá tại xã Tiền Phong.

Từng có thời gian những "quán tự giác" trải dài khắp xóm, các gia đình có mớ rau, con gà, nải chuối đều đặt ra ngoài chiếc chòi nhỏ để bán. Người mua sẽ lựa chọn món hàng phù hợp, tự định giá rồi đặt tiền vào chiếc giỏ được treo cạnh đó.

  “Quán tự giác” từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của người Mường Ao Tá tại xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình

Theo chị Xa Thị Hiền Lương, người dân xóm Đức Phong chia sẻ: "Quán tự giác là nét đẹp của người Mường Ao Tá đã có từ rất lâu, nhưng qua thời gian đã bị mai một dần và mới được khôi phục lại vài năm gần đây".

Theo chị Lương, hàng hoá bán tại quán không chỉ của một hộ gia đình mà còn của nhiều người dân trong xóm đến “ký gửi”. So với quán có người bán, lợi nhuận của quán tự giác có phần ít hơn bởi người mua có thể trả số tiền thấp hoặc cao hơn giá trị sản phẩm và không bắt buộc phải trả đúng giá.

"Hiện nay, những quán tự giác ở Đức Phong đã được sửa sang lại đẹp hơn, mặt hàng cũng phong phú hơn để phục vụ khách du lịch" - chị Lương chia sẻ thêm.

Thích thú khám phá những gian hàng tự giác, chị Nguyễn Thị Mai, du khách đến từ Hà Nội cho biết: "Mô hình này rất hay và thú vị, đặt sự tin tưởng lên trên lợi nhuận khiến người mua hàng cũng thấy được tin tưởng và tôn trọng". 

Theo chị Mai, trong quá trình mua hàng và quan sát thấy, mặc dù tiền và hàng không có người trông nhưng cũng không ai dám tự ý lấy hàng mà không trả tiền.

Những sản phẩm được bày bán tại quán gồm những sản vật địa phương như: măng khô, cá khô, măng ngâm ớt và thực phẩm tươi.

Chính vì vậy, "quán tự giác" không chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân mà còn thể hiện sự thiện chí, và mang ý nghĩa giáo dục sự trung thực cho cộng đồng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Xa Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình cho biết: "Quán tự giác đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân xã Tiền Phong và là nét độc đáo trong văn hoá của người Mường Ao Tá. Hiện xóm Đức Phong có 3 quán tự giác đang hoạt động phục vụ khách du lịch và người dân trong vùng". 

"Quán tự giác cũng như nhắc nhớ bà con về luật bất thành văn ở địa phương là không trộm cắp tài sản. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự tại đây luôn được đảm bảo trong nhiều năm nay" - ông Thức chia sẻ.

Theo tìm hiểu được biết, từ năm 2008, dưới sự hỗ trợ của quỹ Australia vì Nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AFAP), xóm Đức Phong bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Đây là địa điểm lý tưởng cho khách du lịch muốn sử dụng khoảng thời gian để thư giãn, khám phá và trải nghiệm cuộc sống của người Mường Ao Tá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn