MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lấy nước trong đêm xuân của người Tày đã trở thành phong tục độc đáo.

Độc đáo tục rước nước trong đêm của người Tày

Nguyễn Kiên LDO | 24/01/2023 11:08
Thái Nguyên - Vào những ngày đầu xuân, khi mặt trời chưa thức giấc, người Tày sẽ đến giếng làng hay con suối đầu nguồn lấy nước thiêng như một nghi thức để cầu phúc lộc bình an.

Đồng bào Tày cho rằng, nước là khởi nguồn cho mọi sự sống, sinh sôi phát triển và có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với bà con ở bản làng Thái Hải, hay khu làng bảo tồn sinh thái Thái Hải, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên, nước còn có ý nghĩa giá trị tâm linh sâu sắc.

Ở đầu bản làng Thái Hải, có một giếng chung gọi là giếng làng. Xung quanh xếp đá cuội, nước giếng trong vắt quanh năm. Nguồn nước ở đây được tin rằng sẽ giúp người trong làng một năm mới bình an, no đủ.

Theo quan niệm của người Tày nơi đây, nước giếng làng không chỉ được sử dụng cho sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn là nơi hội tụ sinh khí của đất trời.

Bởi vậy, vào những ngày đầu của năm mới, khi mặt trời chưa thức giấc, mỗi gia đình sẽ cử thành viên đến giếng lấy nước với ý nghĩa xua đuổi tà khí, cầu mong một năm may mắn, mùa màng bội thu.

Đồng bào Tày ở làng Thái Hải (TP Thái Nguyên) với những phong tục truyền thống vẫn được gìn giữ. 

Theo phong tục xưa, trước khi đi lấy nước, gia chủ sẽ thắp hương lên bàn thờ tổ gia tiên để xin phép cử thành viên gia đình. Dụng cụ để lấy nước thường là ống bương, đòn gánh.

Trước khi thực hiện việc đi lấy nước, thành viên đi lấy cần chuẩn bị các lễ vật để dâng cúng, tế lễ, xin phép thuỷ thần rước thanh thuỷ bằng ống cây mai về.

Nước sau khi đem về được đặt trước bàn thờ để báo cáo tổ tiên, cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an. Một phần nước được sử dụng để đun sôi pha trà còn lại để rửa mặt, tay chân như giúp tinh thần được thanh tịnh.

Tập tục trên cũng được lưu giữ tại huyện vùng cao Hà Quảng (Cao Bằng), nơi quần cư của khá nhiều người Tày. Đồng bào ở đây vẫn gìn giữ được tục độc đáo lấy nước đầu xuân nhưng thay vì từ giếng làng, họ sẽ đến đầu nguồn con suối nơi có dòng nước trong lành, thuần khiết của đất trời.

Nước sau khi được rước về sẽ làm nghi lễ báo cáo tổ tiên. 

Vẫn duy trì được phong tục này từ thời ông cha, ông Mạc Văn Đồng (xã Trường Hà, Hà Quảng) chia sẻ, người đi lấy nước thường là chủ nhà, có thể có thêm con hoặc anh em cùng tham gia nghi lễ này.

Khi đi lấy nước, đồng bào mang theo hương vàng, đồ lễ (thường là một ít tiền vàng bằng giấy bản) đến thắp hương ở miếu thờ thổ công, sau đó đi đến mỏ nước đầu nguồn để lấy nước đầu năm.

Ông Đồng cho biết: "Người Tày quan niệm, dịp năm mới được rửa mặt bằng nước suối trong lành lấy từ đầu nguồn sẽ đem đến nhiều may mắn. Vì vậy, mọi công đoạn lấy nước  phải được thực hiện cẩn trọng, thành kính với niềm tin vào một năm mới tốt lành, mùa màng bội thu".

Theo ông Đào Văn Mùi - Giám đốc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, nghi lễ lấy nước là hoạt động khởi đầu cho Lễ hội Về nguồn Pác Bó và được phục dựng nguyên bản như thể hiện lòng thành kính của đồng bào tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là kính dâng lên Người những gì tinh túy nhất của đất trời Pác Bó, đồng thời cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nghi lễ lấy nước của đồng bào dân tộc Tày cũng đã góp phần tạo ra một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn