MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) hiện là di sản kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Trường Huy

Động lực từ phát huy giá trị của di sản

TRƯỜNG ĐẠT LONG LDO | 03/01/2024 06:21

Trong số 9 di sản thiên nhiên, di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh thì các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đã sở hữu tới 3 di sản. Đây là nguồn lực lớn để các địa phương có di sản xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, qua đó thu hút du khách trong và ngoài nước.

Sức hấp dẫn từ di sản

Các di sản trên gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, (Thừa Thiên - Huế); Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) và Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Xác định rõ tiềm năng, lợi thế của các di sản thế giới, thời gian qua, các địa phương này đã chủ động, sáng tạo, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và tạo bước đột phá, thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói” phát triển.

Tại Ninh Bình, việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch được tỉnh Ninh Bình đặc biệt chú trọng. Tỉnh Ninh Bình đã đề ra quyết tâm xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035.

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình - cho biết, việc quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh đã mang lại cho du lịch Ninh Bình một cơ hội và một diện mạo mới. Đặc biệt, từ năm 2014, sau khi Quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, khách du lịch đến Ninh Bình tăng mạnh, nhất là khách quốc tế.

“Năm 2023, toàn tỉnh Ninh Bình đã đón gần 6,6 triệu lượt khách, gấp hơn 1,7 lần so với năm 2022 và đạt 123,33% so với kế hoạch năm 2023, doanh thu đạt trên 6.500 tỉ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với năm 2022 và đạt 156,5% so với kế hoạch năm” - ông Mạnh cho hay.

Tại Thừa Thiên - Huế, sức hút từ Di sản thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế cũng khiến lượng du khách đến với Huế ngày một đông hơn. Ngoài việc phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt thì du lịch văn hóa - di sản vẫn là chủ đạo, đặc biệt là chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế, định vị phân khúc cao cấp với tính chất cung đình, mang đặc trưng riêng, độc đáo.

Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt trên 3,2 triệu lượt khách, tăng 56,09% so với năm 2022. Trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 361,38% so với năm 2022, doanh thu từ du lịch ước đạt 6.606 tỉ đồng.

Tại Quảng Bình, trong năm 2023, ngành du lịch tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt hơn 4,5 triệu lượt và có xu hướng tăng lên qua các tháng, tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 5.100 tỉ đồng. Trong đó Phong Nha - Kẻ Bàng luôn là sự lựa chọn hàng đầu của du khách.

Xây dựng thương hiệu riêng dựa trên những giá trị di sản thế giới

Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình - cho biết, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành nghị quyết nhằm hợp nhất TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành “Đô thị Cố đô - di sản”.

“Quyết tâm xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ tiêu biểu và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 là mục tiêu phù hợp với tiềm năng của mảnh đất Ninh Bình và xu thế phát triển chung trên toàn thế giới” - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định.

Nhằm có sự phát triển xứng tầm trong việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định phát triển du lịch văn hóa - di sản là chủ đạo, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề với thương hiệu di sản Cố đô Huế.

Đồng thời, tăng cường quảng bá truyền thông các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu thành phố Festival, Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài. Mục tiêu, năm 2024, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 7.000 - 8.000 tỉ đồng.

Trong năm 2023, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được vinh danh trong “Top 10 điểm đến nên ghé thăm tại Việt Nam” trên tạp chí danh tiếng Lonely Planet (Mỹ) và là một trong ba đại diện của Việt Nam được nhắc đến trong danh sách 16 di sản ấn tượng nhất trong số hơn 40 di sản thế giới được UNESCO công nhận tại 11 nước Đông Nam Á do tạp chí danh tiếng Wanderlust (Anh) công bố; vào tháng 10.2023, xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) là đại diện Việt Nam duy nhất được Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh là “Làng du lịch tốt nhất” năm 2023.

Ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định, những trải nghiệm phong phú khi đến với Phong Nha - Kẻ Bàng luôn là điểm nhấn, tạo sự ấn tượng thú vị đối với người dân và du khách khi đến với Quảng Bình.

Ngày 11.11.2013, Thủ tướng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó mục tiêu đến năm 2030, vùng Bắc Trung Bộ trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước, góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm nghèo và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn