MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cồn Hến nằm giữa lòng sông Hương, được ví là “tả Thanh Long” trong yếu tố phong thủy tự nhiên của Kinh thành Huế. Ảnh: Phúc Đạt

Dòng sông đôi bờ di sản

MINH AN - PHÚC ĐẠT LDO | 09/02/2024 19:29

Không chỉ thơ mộng khi chảy qua giữa lòng đô thị Huế, sông Hương còn mang trong sứ mệnh dòng sông kết nối di sản của vùng đất cố đô. Với chiều dài chừng 30km, dòng sông cứ thế uốn lượn mềm mại qua các đền đài lăng tẩm, những làng mạc yên bình và trù phú. Dòng sông ấy còn là minh đường trong yếu tố phong thủy chủ đạo cùng Kinh đô Huế trước khi xuôi về hạ lưu, đổ ra biển lớn.

Sông Hương, một phần “cơ thể” của đô thị Huế

Nhiều chuyên gia quốc tế lẫn trong nước khi nghiên cứu về yếu tố cảnh quan Huế đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của sông Hương. Do vậy, có khá nhiều ý kiến đưa ra cần hoàn thiện hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Sông Hương hợp lưu từ hai nhánh Tả Trạch và Hữu Trạch ngay ngã ba Bằng Lãng nay thuộc địa phận 2 phường Thủy Bằng và Hương Thọ, TP. Huế. Sau khi mở rộng địa giới, cơ bản TP. Huế đã “ôm trọn” dòng Hương Giang vào lòng, từ thượng nguồn về tận cửa biển Thuận An.

GS. Hoàng Đạo Kính, nguyên Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - một trong những chuyên gia gắn bó với Huế với việc khôi phục di tích Huế đã không hết lời ca ngợi đô thị này và nhìn nhận đây là “đô thị di sản và đô thị sinh thái đặc sắc duy nhất của Việt Nam”. Và sông Hương có vai trò chủ đạo, một phần cấu thành, một phần cơ thể hết sức đặc biệt của đô thị ấy.

“Sông Hương là con sông duy nhất và ít khi thấy trên thế giới, chảy qua đô thị Kinh đô mà không bị áp đặt, biến thành đại lộ nước. Ngược lại, con sông chảy êm ái, khoan thai, đến giờ này không bị gò bó, gông đai”, GS. Kính nhìn nhận và hy vọng ngày không xa, sông Hương sẽ trở thành yếu tố cảnh quan trong hồ sơ di sản thế giới của Quần thể di tích Cố đô Huế.

Cùng quan điểm với ông Kính, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, trong một buổi hội thảo gần nhất về yếu tố cảnh quan di sản Huế vào tháng 8.2023 một lần nữa khẳng định, sông Hương và cảnh quan đôi bờ là trục quy hoạch của kinh thành Huế xưa và TP. Huế hôm nay. Theo chuyên gia này, sông Hương - dòng sông được ví von là dòng sông thi ca, huyền thoại, lễ hội… cùng với núi Ngự Bình là hai yếu tố làm nên “hồn cốt” của xứ Huế. Dòng sông này và hệ thống thuỷ đạo Ngự Hà còn đóng vai trò là hệ thống hộ thành bảo vệ kinh đô, quản lý và điều tiết, cung cấp nguồn nước, hạn chế ngập úng, hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp ở vùng phụ cận TP. Huế.

“Do vậy việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh cảnh quan văn hoá đôi bờ sông Hương là bộ phận cấu thành khu di sản Cố đô Huế nhằm bổ sung tính toàn vẹn cũng như góp phần làm gia tăng giá trị nổi bật toàn cầu”, ông Bài đưa ra ý kiến trong một tham luận. Ông cũng đề nghị, việc này không nên chần chừ nhằm bảo toàn tính toàn vẹn của di sản Huế cũng như tạo ra cơ sở khoa học và pháp lý để xây dựng và hoàn thiện các nguyên tắc về “văn hoá môi trường” và “đạo đức môi trường”.

Sông Hương đoạn chảy qua đồi Hà Khê với danh thắng nổi tiếng cổ tự Thiên Mụ. Ảnh: Phúc Đạt

"Khu bảo tồn sinh thái lịch sử”

Trong khi đó, GS.TS Satoh Shigeru, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng - Đại học Waseda (Nhật Bản) - người từng đến Huế vào những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước đã không khỏi trầm trồ bởi dòng Hương thơ mộng. Cất công tìm hiểu về dòng sông tuyệt đẹp này, chuyên gia đến từ xứ sở mặt trời mọc khẳng định rằng, lưu vực sông Hương có thể nói là khu vực có giá trị, xứng đáng để được đăng ký di sản thế giới bởi các yếu tố đa dạng được lồng ghép một cách toàn diện và quy tụ quanh hệ sinh thái tự nhiên trải dọc sông Hương trong đó có Kinh thành Huế, lăng mộ hoàng gia và làng mạc.

Không chỉ có vậy, theo GS.TS Satoh Shigeru, sông Hương còn là “khu bảo tồn sinh thái lịch sử”, nơi sản phẩm nông nghiệp, thế giới tinh thần (tôn giáo), thuỷ lợi và hệ thống quản lý nước, các yếu tố lịch sử, văn hoá truyền thống đều được lồng ghép vào cảnh quan văn lưu vực sông Hương.

Ngược dòng thời gian, tại kỳ họp 28 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO vào năm 2004 khi đó diễn ra tại Tô Châu, Trung Quốc - UNESCO đề nghị Việt Nam lập hồ sơ đề cử sông Hương và cảnh quan hai bên vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới. Thế nhưng vì nhiều lý do việc lập hồ sơ dang dở. Cho đến năm 10 năm sau, tức năm 2014, đoàn chuyên gia cao cấp của UNESCO khi đến thăm, khảo sát tại Quần thể di tích Cố đô Huế cũng đã lưu ý tỉnh Thừa Thiên Huế nhanh chóng đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông đoạn từ lăng Gia Long đến cồn Hến vào khu vực cần bảo vệ, đồng thời đệ trình hồ sơ tái đề cử di sản. Nhưng rồi, câu chuyện ấy vẫn chưa đâu vào đâu.

Phải nói rằng, câu chuyện “vinh danh cảnh quan” cho sông Hương chưa “tới bến”, nhưng những năm qua chính quyền vùng đất này đã bảo vệ và tô điểm cho dòng sông chảy qua lòng kinh Huế trở nên tươm tất, sang trọng, hài hòa giữa câu chuyện bảo tồn và phát triển.

Dòng Hương Giang thơ mộng, chảy qua giữa lòng đô thị Huế hiền hòa và sâu lắng. Ảnh: Phúc Đạt

Một bản quy hoạch được thiết lập dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Hàn Quốc bằng mọi giá bảo vệ trục cảnh quan quan trọng của sông Hương đoạn từ đồi Vọng Cảnh về tận phố cổ Bao Vinh theo nguyên tắc tôn trọng yếu tố tự nhiên sẵn có. Ngay giữa trung tâm TP. Huế, nơi dòng sông thơ mộng chảy qua những cây cầu gỗ mềm mại được dựng lên tạo điểm nhấn cho đô thị, mang lại không gian trải nghiệm công cộng nhưng không phá vỡ cảnh quan dòng sông nhận được không ít lời khen từ người dân địa phương lẫn khách trong ngoài nước.

Trong một lần chia sẻ với chúng tôi, ông Phan Thiên Định - Bí thư Thành ủy Huế nói việc mở rộng địa giới của TP. Huế ngoài việc tăng diện tích lên gần 4 lần và bám theo trục sông Hương từ thượng nguồn về đến hạ nguồn. Sau khi mở rộng, TP. Huế không chỉ ôm trọn con sông thơ mộng, tuyệt đẹp ấy vào lòng đô thị mà còn kéo dài, giao thoa về tận đầm phá, cửa biển. Bên cạnh tiềm năng đó còn là lợi thế trong việc bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản, văn hóa và sông Hương là một phần của giá trị đó.

Các chuyên gia, nhà văn hóa nghiên cứu về Huế cũng lưu ý cần phải tái khởi động lại việc lập hồ sơ di sản cho sông Hương vào thời điểm này - khi Huế đang thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Trong đó, chú trọng vào nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Cách đây 20 năm, tại kỳ họp 28 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO vào năm 2004 khi đó diễn ra tại Tô Châu, Trung Quốc - UNESCO đề nghị Việt Nam lập hồ sơ đề cử sông Hương và cảnh quan hai bên vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn