MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa.

Đốt vàng mã là tư duy tiêu cực

Hải Minh LDO | 14/01/2020 16:14
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, tục đốt vàng mã là một tín ngưỡng có cội nguồn từ rất sâu xa.

Trong từ điển, vàng mã là đồ để cúng cho người đã khuất nên khi thờ cúng tổ tiên xong, người dân thường đốt vàng mã.

Người Việt quan niệm “trần sao âm vậy”, đốt vàng mã thật nhiều thì càng thể hiện lòng thành và bày tỏ được lòng tri ân, cảm tạ đối với người đã khuất.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: “Tục đốt vàng mã là một tín ngưỡng, có cội nguồn sâu xa từ khi chưa có hàng giấy đã có tục chia của, tục làm minh khí. Đến khi có giấy người ta biểu trưng hóa thì đây là một tín ngưỡng”.

Thời điểm từ cuối năm cũ cho tới đầu năm mới, người Việt tốn khá nhiều thời gian cho việc lễ bái. Và trong đó còn có cả sự duy trì cố chấp một số hủ tục hoặc sự biến tướng thương mại một số nghi lễ, không ít người còn tiêu tốn kha khá tiền bạc cho việc đốt vàng mã.

Lâu dần, việc đốt vàng mã này được người dân sử dụng như thói quen, nhiều người áp dụng mà không hiểu rõ ý nghĩa. Chính vì thế tục này mới bị biến thái và lạm dụng như ngày nay trở thành một hiện tượng xã hội xấu.

Những năm gần đây, “phú quý sinh lễ nghĩa”, hàng mã ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu, từ bình dân đến cao cấp với tiền polyme âm phủ, nhà lầu, xe hơi, máy bay.... Tình trạng này đang phát triển một cách thái quá vừa gây tốn kém, lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Biểu hiện rõ nhất khi người ta thi nhau làm ôtô giả giấy bằng nửa ôtô thật. Nhà cửa, ngựa và đủ các thứ khác được làm quá to và dần trở thành phong trào, xu hướng chung của xã hội. Đó là đồ thờ cúng cái gì cũng to.

Ảnh minh họa.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ  đánh giá:

“Hiện nay, người ta đốt vàng mã ở bất cứ ở môi trường nào, đặc biệt như ở chùa chẳng hạn, mặc dù giáo lý nhà chùa không có chuyện đốt vàng mã. Nhưng người ta vẫn đốt và đốt nhiều đến nỗi ảnh hưởng đến vệ sinh, đến nhiều thứ xung quanh môi trường sống. Đó là sự phát triển tiêu cực.

Tục vàng mã là tín ngưỡng từ xa xưa của người Việt. Vì là tín ngưỡng nên chúng ta không thể xóa bỏ được. Chính lẽ đó nên các nhà Phật có những quy định là không đốt vàng mã ở không gian này hay ở không gian khác mà không phải quy định dẹp bỏ nó đi vì đó là tín ngưỡng mà con người vẫn theo. 

Đốt vàng mã vốn là một sự biểu trưng, quan trọng là lễ bạc lòng thành. Vì thế chúng ta nên làm nhỏ gọn lại nhưng rất đẹp. Nhỏ gọn lại để nó phù hợp với cuộc sống đặc biệt là cuộc sống đô thị hiện nay".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn