MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu ngói Thanh Toàn đã được hạ giải để trùng tu. Ảnh: Phan Thanh Hải

Dự án trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn gây tranh cãi

Tường Minh LDO | 24/04/2020 08:09

Dự án trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn ở Thừa Thiên - Huế gây tranh cãi bởi màu sắc lòe loẹt trên ảnh mẫu và phương pháp hạ giải để làm lại.

Thật may, lòe loẹt sắc màu là do lỗi in ấn...

Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vòm bằng gỗ với mái ngói ở làng Thanh Thủy Chánh, cách Thành phố Huế khoảng 8km về phía Đông Nam. Đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm, có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam và được Bộ VHTTDL cấp bằng công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1990.

Cầu được xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu), dài 43 thước mộc (18,75m), rộng 14 thước mộc (5,82m), chia làm 7 gian có mái che, lợp ngói lưu ly. Xây dựng vào năm 1776, nhiều lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá, nhưng cầu đều được người dân chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ.

Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt chủ trương đầu tư, giao Ban đầu tư và xây dựng thị xã Hương Thủy làm chủ đầu tư, với kinh phí hơn 13 tỉ đồng, thời gian thực hiện 3 năm và cho phép hạ giải công trình để đánh giá cụ thể các cấu kiện, đảm bảo đúng quy chuẩn, quy định và nguyên tắc bảo tồn. Tuy nhiên, những phản đối xuất hiện khi chứng kiến tấm ảnh chụp thông báo dự án với màu sắc lòe loẹt xanh đỏ tím vàng nhìn không đúng với nguyên mẫu.

“Tôi đã kiểm tra và yêu cầu chủ dự án thay bằng một tấm bảng khác có hình cây cầu đúng với nguyên gốc hơn”. Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết bức ảnh không phản ánh chính xác cây cầu sau khi trùng tu, bởi chủ dự án khi in đã dùng mực và font xanh màu lá nên dẫn đến sự lòe loẹt. Sau khi trùng tu, cầu sẽ có hình thức gần như trước nhưng đẹp, đúng với tinh thần nguyên bản hơn vì khắc phục được một số hạn chế của lần trùng tu gần nhất năm 1986 về phần nền, đắp vữa, câu đối văn tự sai sót, chất lượng sành sứ kém, nhiều cấu kiện bằng gỗ tạp đã xuống cấp…

Hạ giải đúng hay sai?

Một vấn đề được quan tâm đối với phương pháp “hạ giải”. Thực tế thì phương pháp này do người Nhật khởi xướng từ xưa, với nhiều ưu thế đã được chứng minh là giúp gia cố, cải tạo lại phần móng của kiến trúc đã bị sụt lún mà các phương pháp khác không làm được. Ví dụ cứ 20 năm, người Nhật lại tháo dỡ hoàn toàn đền Ise (tỉnh Mie) thờ Thái Dương thần nữ để trùng tu. Cứ 60 năm, họ tháo dỡ hoàn toàn đền Izumo (tỉnh Shimae) để trùng tu, người Nhật gọi đó là fukugen (phục nguyên) và được UNESCO thông qua.

Tại Thừa Thiên - Huế, phương pháp “hạ giải” phục nguyên di tích này đã được áp dụng để trùng tu các di tích, có chuyển giao công nghệ và tham gia của các chuyên gia Nhật Bản: Hữu Tùng Tự (lăng Minh Mạng); điện Chiêu Kính (Thái Miếu); Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, điện Minh Thành (lăng Gia Long)...

Phương pháp này cũng được Việt Nam áp dụng để trùng tu nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc gỗ. Nhưng điều đáng nói, có rất nhiều công trình gây tranh cãi và tai tiếng, nguyên nhân từ cách làm “kiểu Việt Nam”.

Khi hạ giải để gia cố, xử lý phần móng trước khi trùng tu phục nguyên, người Nhật chỉ sử dụng sức người và các phương tiện thủ công, có chụp ảnh, ghi chép tính toán đầy đủ các chi tiết kiến trúc. Hạ giải chi tiết nào thì đánh số, ghi chép cẩn thận và bảo quản theo từng hạng mục chuyên biệt, chỉ những chi tiết mục nát không còn sử dụng được thì mới được loại bỏ và thay thế bằng các chi tiết mới, giống với chất liệu, họa tiết, màu sắc, văn tự...

Trong khi ở Việt Nam, lấy ví dụ gần nhất là dự án trùng tu bờ kè Hộ thành hào phía nam Kinh thành Huế, đơn vị thi công đã “hạ giải” bằng cách... phá bỏ hết, xây mới cũng như thay thế toàn bộ vật liệu cũ bằng vật liệu mới.

Với dự án trùng tu Cầu ngói Thanh Toàn, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Phan Thanh Hải cho biết trong cuộc họp mới nhất đã yêu cầu địa phương và đơn vị thi công rà soát kỹ lại các khâu, tiến hành dự án cẩn thận, đúng phương án được phê duyệt, giám sát chặt chẽ... “Sở Văn hóa - Thể thao cũng đã cử cán bộ tham gia hội đồng đánh giá, giám sát triển khai dự án và sẽ được thực hiện tốt” - ông Hải cam kết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn