MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là dự án do Nhà nước và tư nhân cùng làm đã đạt hiệu quả về doanh thu. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Dư chấn từ “đêm trường” ở Hãng phim truyện Việt Nam

Mi Lan LDO | 10/01/2024 07:12

Cách thức làm phim bao cấp kéo dài đã kéo theo muôn vàn hệ lụy, trong đó có việc làm mất đi những hãng phim nhà nước như Hãng phim truyện Việt Nam, đẩy các hãng phim vào quá trình cổ phần “vật vã”, đồng thời đẩy những nhà làm phim không thể đổi mới, không thể bắt kịp xu hướng thời đại ở phòng vé.

Khi nghệ sĩ không phải chịu áp lực phòng vé, sẽ không thể sáng tạo hết mình

Trước khi cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam (cùng Hãng phim truyện I, Hãng phim Giải phóng..) hoạt động theo mô hình doanh nghiệp Nhà nước.

Nguồn thu chính của Hãng trong nhiều năm chủ yếu trông chờ vào nguồn tiền nhỏ giọt từ Nhà nước trong các dự án phim đặt hàng sản xuất. Số tiền này khi về tới hãng, không chỉ để làm phim, còn được trích một phần trang trải, trả lương cho cán bộ công nhân viên.

Các đạo diễn khi nhận tiền đặt hàng từ Nhà nước luôn kêu “quá ít”, “quá nhỏ”, không đủ để họ “bày binh bố trận” từ đó cho ra đời những thước phim hoành tráng, mãn nhãn.

Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà nước đặt hàng Hãng phim truyện Việt Nam số tiền kỷ lục là 13 tỉ đồng (thời điểm đó tương đương 1 triệu USD), thế nhưng phim ra rạp bị chỉ trích khô cứng, khuôn sáo, cũ mòn, mô phỏng lại sách giáo khoa.

Đại diện đoàn phim bày tỏ sự phẫn nộ khi phim bị chê, và cũng có nói với đại ý, họ chỉ được Nhà nước rót tiền 1 triệu USD, trong khi phim chiến tranh thế giới cần đến hàng trăm triệu USD để trở thành bom tấn.

Tuy nhiên, theo nhận định từ giới chuyên gia: “Để biết cách chi tiêu hàng trăm triệu USD cũng cần đến tư duy tài năng, không phải cứ đổ tiền đổ của vô tội vạ sẽ có phim hay”.

Sống trong thời kỳ bao cấp điện ảnh quá lâu, khi không phải chịu bất kỳ áp lực nào về doanh thu phòng vé, đã khiến một thế hệ những nhà làm phim bị bào mòn trong lối tư duy làm phim cũ.

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng: “Việc phải chịu áp lực doanh thu, phải chịu trách nhiệm trước đồng tiền của nhà sản xuất đưa ra, sẽ kích thích sự sáng tạo đến tận cùng của đạo diễn. Anh buộc phải kể câu chuyện theo cách hấp dẫn nhất có thể. Anh buộc phải nghĩ cách để đưa khán giả rời nhà đến phòng vé”.

Những bộ phim đặt hàng thua lỗ triền miên, ra rạp không bán nổi vé, khán giả không ai xem, chỉ bán vài ngày rồi cất kho... đã gây tranh cãi, bị phản ứng trong thời gian dài nhưng vẫn tiếp diễn.

Chính những bộ phim thua lỗ, không mang lại doanh thu đã khiến Hãng phim truyện Việt Nam hoang tàn, xập xệ từ trước khi tiến hành cổ phần hóa.

Dư chấn kéo dài

Trả lời phóng viên Lao Động về những bộ phim xếp kho vẫn tiếp tục được sản xuất, TS. Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - cho rằng: “Đã đến lúc, các nhà làm phim cần thay đổi tư duy làm phim. Giới làm phim không thể chỉ bán cái mình có, các anh phải bán thứ khác giả cần.

Khi điện ảnh thế giới đang cập nhật đến điện thoại từng cá nhân, trên khắp các nền tảng chiếu phim trực tuyến rất sẵn, việc kéo khán giả đến rạp khó khăn hơn bao giờ hết. Nếu giới làm phim luôn đi sau thị hiếu khán giả sẽ mãi mãi thua lỗ. Và khi thua lỗ, thì khó khăn muôn trùng cho công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh”.

Giữa bối cảnh bàn về công nghiệp văn hóa (trong đó điện ảnh là một trong 12 ngành mũi nhọn), nhưng những phim đặt hàng trên dưới 20 tỉ đồng vẫn lặng lẽ ra mắt năm 2023 và lặng lẽ “biến mất” như: “Đào, Phở và Piano”, “Hồng Hà nữ sĩ”...

Trước đó, năm 2022, Nhà nước đặt hàng Hãng phim Hội Điện ảnh sản xuất “Bình minh đỏ” chiếu dịp 30.4, nhưng sau khi chiếu kỷ niệm vài ngày cũng cất đi, không để lại tiếng vang.

Theo TS. Ngô Phương Lan, với bất kỳ dự án phim nào, với bất kỳ đề tài nào, kể cả chiến tranh hay lịch sử đều cần xã hội hóa. Ở đó, các đạo diễn, giới làm phim cần chung tay kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn.

Bà Ngô Phương Lan lấy ví dụ về bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sản xuất năm 2015 do Nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư. Phim gây bão phòng vé khi ra mắt và lập kỳ tích doanh thu thời điểm đó với 78 tỉ đồng.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là mô hình lý tưởng để các nhà làm phim hiện tại khi bước vào công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh cần học hỏi. Khi mỗi nhà làm phim đều góp sức, kêu gọi đầu tư cho dự án, đồng thời chịu trách nhiệm về đồng tiền sản xuất phim, chịu sức ép phòng vé, mỗi dự án cũng được đầu tư hơn về cách kể chuyện, bắt kịp xu hướng thời đại, bắt kịp thị hiếu khán giả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn