MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách tham quan Đà Lạt vào thời điểm dịch chưa quay lại. Ảnh: Huân Cao

Du khách hủy tour khó đòi lại tiền cọc: Khúc mắc ở dịch vụ trung gian

Huân Cao LDO | 10/08/2020 11:00

Các doanh nghiệp lữ hành đang rơi vào thế khó khi khách hủy tour đòi lại tiền đặt cọc, trong khi số tiền này đã được đặt cho các đơn vận tải, khách sạn, nhà hàng... và các đối tác này lại chậm hoặc không hoàn lại... Vấn đề đặt ra ở đây là sự sẻ chia, tinh thần hợp tác giữa các bên: Doanh nghiệp lữ hành, du khách, các đơn vị dịch vụ trung gian cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn, ngõ hầu giữ vững niềm tin cho những chương trình kích cầu du lịch...

Cái khó “mắc” ở các đơn vị trung gian 

Ông Đỗ Văn Thức - Phó giám đốc Công ty Du lịch Đất Việt đã chia sẻ về những tình huống “đau đầu” mà doanh nghiệp của ông cũng như nhiều doanh nghiệp lữ hành khác đang gặp phải là việc hoàn tiền cho khách hủy tour. 

Theo ông Thức, hiện công ty có 172 tour với khoảng 11.000 khách đang bị hủy hoặc dời sang một thời điểm hết dịch. Trong đó, có nhiều khách đòi hủy không chỉ các tour đến vùng có dịch, mà những tour đến vùng không bị dịch vẫn bị khách hủy và đòi hoàn lại 100% tiền. Thế nhưng, số tiền khách đóng đấy đã được công ty đem đặt cọc cho các hãng hàng không, vé tàu, khách sạn, nhà hàng,... trong khi những đơn vị trung gian này lại có nhiều lý do để chậm hoặc chưa chịu hoàn tiền cho công ty du lịch.

“Khách đòi tiền liền, trong khi cái khó là tiền đấy đã đem đặt cọc cho các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch trung gian hết rồi. Bây giờ mà đòi các đối tác đấy hoàn tiền lại cũng là một vấn đề lớn, họ không thể hoàn ngay được, nhất là hàng không theo quy định tối thiểu phải 3 tháng thì họ mới hoàn được. Trong khi số tiền đặt cọc cho ngành hàng không là số tiền nặng nhất, có những hãng họ không hoàn tiền trực tiếp mà chỉ hoàn lại dưới dạng voucher mà khách thì không chịu” - ông Thức nói.

Còn theo bà Vũ Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty Universal Tour, khách đang hủy tour hàng loạt, điều này gây khó cho công ty vì những địa phương không có dịch thì bên công ty không hủy được dịch vụ khách sạn, nhà hàng và phương tiện vận tải. “Dịch vụ trung gian không hủy, trong khi khách lại yêu cầu chúng tôi hủy và đòi lại 100% tiền đã đặt cho công ty chứ không có giảm trừ gì cả. Ngay cả tour đến vùng dịch như Đà Nẵng, thì có những khách sạn ở vùng dịch đấy họ chỉ hỗ trợ cho các đơn vị lữ hành là chuyển số tiền cọc sang một giai đoạn khác từ nay đến cuối năm chứ không đồng ý hoàn trả ngay” - bà Hương nói về cái khó của các đơn vị lữ hành hiện nay.

Tìm cách gỡ khó cho các doanh nghiệp lữ hành

Thực tế các đơn vị lữ hành đang gặp nhiều thế khó, nhất là khi khách đã đặt tour từ đây đến cuối năm đến một số địa phương (đang có dịch bệnh) lại yêu cầu hoàn tiền ngay 100%. Trong khi đó, các hãng vận chuyển như hàng không chỉ đồng ý hoàn vé cho những tour cuối tháng 7 đầu tháng 8 đến vùng dịch. Riêng những tour cuối tháng 8 đầu tháng 9 mới khởi hành, thì các hãng đề nghị phải chờ xem diễn biến dịch thế nào, khi đó mới cho hủy hay không.

Bên cạnh đó, tiền đặt cọc vé máy bay, nhiều công ty du lịch chuyển cho các đối tác phải đi vay ngân hàng, ngân hàng chuyển thẳng qua đó theo diện gói vay ưu đãi. Bao công sức làm tour, tiền chạy quảng cáo, nhân viên, văn phòng... giờ khách hủy thì coi như doanh nghiệp mất trắng những khoản chi phí đấy. Đáng nói, tiền vay đã chuyển cho các hãng hàng không và khách sạn hàng tỉ đồng để đặt cọc thì doanh nghiệp vẫn phải trả lãi, nhưng doanh thu không có.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Phó GĐ Sở Du lịch TPHCM - cho biết, đã nhận được thông tin các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn do khách hủy hoãn liên tục. Sở đã có cuộc họp và làm việc với Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành đầu ngành để lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp.

“Sở Du lịch đã đề nghị Hiệp hội du lịch TPHCM có văn bản gửi đến Hiệp hội du lịch các địa phương trọng điểm về du lịch, để đề nghị các doanh nghiệp là các đơn vị cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp lữ hành cùng ngồi lại thương lượng, thỏa thuận chia sẻ nhau trong thời điểm dịch. Có thể xem đây là một trong những trường hợp bất khả kháng đối với những địa phương đã công bố dịch, để có thể dời hoãn những cái hợp đồng này có thương lượng tốt nhất cho nhau”- bà Hoa nói.

Bà Hoa cung cấp thêm thông tin, trước đề nghị của Hiệp hội Du lịch, nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch tại các địa phương đã thông cảm với các đơn vị lữ hành và sẵn sàng hoàn lại số tiền các công ty du lịch đã đặt cọc. Ngoại trừ một số đơn vị có liên doanh, liên kết với nước ngoài do phải trình tới tập đoàn, công ty mẹ thì việc giải quyết hoàn tiền cọc chậm hơn. Hiện các doanh nghiệp du lịch mong các hãng hàng không xem xét giải quyết ở một góc độ là những thông báo hủy của doanh nghiệp báo hãng trước 1 tuần thì được hoàn lại đặt cọc, để doanh nghiệp có dòng vốn xoay vòng, giải quyết cho những trường hợp khách hàng có nhu cầu rút lại tiền và hủy tour.

“Sở đã gửi 2 văn bản tập hợp tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đến UBND TPHCM và Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch về những kiến nghị các giải pháp cần đi vào cụ thể, thiết thực cho từng ngành bị ảnh hưởng dịch. Vừa qua chúng ta đã có những giải pháp hiệu quả và đi vào cuộc sống, tuy nhiên đâu đó vẫn còn một số ngành như là du lịch vẫn chưa được tiếp cận chính sách ưu đãi vay ngân hàng như mong muốn” - bà Hoa nói.

Bà Vũ Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty Universal Tour - cho rằng, rút kinh nghiệm từ đợt dịch này, các công ty du lịch cần soạn lại hợp đồng với khách, trong đó ghi rõ các điều khoản cụ thể, nhất là việc rút lại tiền. Tránh trường hợp ghi chung chung là dịch bệnh, thiên tai như hiện nay dẫn đến thế khó cho doanh nghiệp lữ hành khi khách hàng đồng loạt hủy tour đòi lại tiền.

Hoàn huỷ vé máy bay: Tổng đài quá tải vì lượng khách gọi quá lớn

Đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hãng này tạm dừng khai thác toàn bộ các chuyến bay đến/đi từ Đà Nẵng đến hết ngày 11.8.2020. Đối với các đường bay nội địa khác vẫn được VNA khai thác bình thường. Theo đó, VNA sẽ hỗ trợ hành khách có vé xuất trước ngày 25.7.2020 đã được xác nhận chỗ trên các chuyến bay đến, đi từ Đà Nẵng từ ngày 26.7 đến ngày 31.8.2020 được đổi ngày bay, đổi hành trình một lần miễn phí, miễn điều kiện hạn chế của vé với điều kiện ngày bay mới khởi hành đến ngày 31.10.2020.

Đối với hành khách có vé đến, đi từ Đà Nẵng trong giai đoạn từ ngày 28.7 đến ngày 11.8.2020, VNA sẽ miễn phí, điều kiện hạn chế hoàn vé và thực hiện hoàn ngay sang Travel Voucher hoặc hoàn về hình thức thanh toán vé ban đầu sau 2 tháng kể từ khi nhận được đề nghị.

Đối với hành khách có vé đến, đi từ Đà Nẵng trong ngày 26-27.7.2020 và từ ngày 12.8 đến ngày 31.8.2020, VNA thực hiện chi hoàn theo điều kiện giá áp dụng hoặc hoàn miễn phí sang Travel Voucher với một số điều kiện kèm theo.  VNA khuyến khích hành khách giữ vé chưa sử dụng để đổi sang ngày bay mới ngay khi có thể từ nay đến ngày 31.10.2020 hoặc hoàn miễn phí sang Travel Voucher để tiếp tục sử dụng cho các dịch vụ khác của hãng.

Hiện các hãng trong nước đều tạo điều kiện để hành khách hoàn, huỷ, đổi hoặc xuất sang vé mới. Theo đại diện Bamboo, việc hoàn huỷ vé cho hành khách không có gì khó khăn, nhưng do thời điểm cao điểm này khách điện thoại đến tổng đài hơi khó vì mỗi ngày có hàng nghìn cuộc gọi đến để tư vấn hoàn huỷ vé, do đó tổng đài không xử lý được. Cũng theo đại diện Bamboo chỉ duy nhất đường bay Đà Nẵng được hoàn vé, còn các hành trình khác thì được bảo lưu và thay đổi ngày bay miễn phí. Đặng Tiến

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn