MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những du khách Trung Quốc đầu tiên trở lại Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn ngày 15.3. Ảnh: Vân Trường

Du khách Trung Quốc sẽ tăng dần theo tốc độ phục hồi hàng không

Ý Yên LDO | 21/03/2023 08:01

Ngay từ 15.3 - ngày Trung Quốc chính thức cho phép tổ chức tour đến Việt Nam theo chương trình thí điểm mở cửa du lịch đợt 2, các địa phương từ Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh... đã đón hàng trăm khách du lịch theo đoàn. 

Nhu cầu lớn, thói quen thay đổi

Trong buổi làm việc với Tổng cục Du lịch Việt Nam giữa tháng 3, ông Benny Wang, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ban Phát triển Kinh doanh và Hợp tác Chính phủ của Trip.com - đại lý du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới của Trung Quốc, nhận định 2023 là năm du lịch bùng nổ sau gần ba năm du khách bị “cầm chân” do dịch bệnh.

Còn theo Viện Nghiên cứu Du lịch Quốc tế Trung Quốc (COTRI), khách Trung Quốc sau đại dịch không còn quá mặn mà với những điểm đến nổi tiếng, mà có xu hướng muốn trải nghiệm du lịch gần gũi thiên nhiên, với nhiều hoạt động ngoài trời.

Bên cạnh đó, hậu COVID-19 du khách Trung Quốc cũng có những yêu cầu cao hơn về chất lượng cơ sở lưu trú. Báo cáo do ngân hàng đầu tư Morgan Stanley công bố vào tháng 2 chỉ ra rằng, khách Trung Quốc ngày càng có xu hướng mong muốn lưu trú tại khách sạn sang trọng, với mức quan tâm tăng từ 18% vào năm 2022 lên 34% vào năm 2023.

Tương tự, báo cáo của công ty nhận dạng dữ liệu Adara cuối tháng 2 cũng cho thấy khách Trung Quốc sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào khách sạn. Cụ thể, số người đặt phòng khách sạn giá từ 400 USD trở lên tăng gần gấp ba.

Khách không “ùn ùn” trở lại ngay

“Trước mắt lượng khách từ thị trường này sang Việt Nam sẽ tăng nhẹ. Lượng khách sẽ tăng mạnh từ cao điểm mùa hè từ tháng 6 trở đi, nhất là những điểm đến xa và có biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...”, ông Trương Minh Đức trả lời Lao Động. 

Bên cạnh nhu cầu du lịch nước ngoài, khách Trung Quốc còn có xu hướng ưa chuộng du lịch nội địa trong 3 năm không thể ra nước ngoài khi dịch vụ trong nước đã được cải thiện cả về chất lượng lẫn độ đa dạng về sản phẩm, trải nghiệm. 

Wolfgang Georg Arlt -  người sáng lập COTRI, phát biểu tại Hội chợ Du lịch quốc tế ITB Berlin 2023 rằng, cuộc cạnh tranh hút khách Trung Quốc không chỉ có những điểm đến trên khắp thế giới, mà có cả sự góp mặt của điểm đến nội địa tại quốc gia này.

Theo dữ liệu của Ctrip, tần suất chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc vào tháng 2.2023 chưa đạt 20% so với mức cùng kỳ năm 2019.

Kể từ khi Trung Quốc cho phép khách đoàn du lịch đến Việt Nam từ 15.3, các hãng hàng không Việt Nam đồng loạt lên kế hoạch mở lại đường bay dần dần từ tháng 3 trở đi. Đơn cử, chiều 19.3 Vietnam Airlines vừa có chuyến bay thường lệ đầu tiên chặng Bắc Kinh - Hà Nội sau 3 năm dừng khai thác vì COVID-19. 

Hãng hàng không quốc gia cũng có kế hoạch đón lượng khách lớn từ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm hè 2023. Hãng dự kiến khôi phục 9/10 đường bay tới Trung Quốc như trước dịch trong tháng 3 và tháng 4.

Vietjet Air dự kiến mở lại các đường bay đến Thiên Tân, Trương Gia Giới, Thành Đô. Hiện hãng bay này khai thác các chặng đến Thượng Hải, Thâm Quyến, Hàng Châu, Vũ Hán với tần suất một chuyến hàng tuần.

Từ tháng 4, Bamboo Airways dự kiến khai thác chuyến bay charter chặng Nha Trang - Macau với tần suất 4 chuyến hàng tuần, và Hà Nội/TPHCM - Hải Khẩu (Đảo Hải Nam) với tần suất 3 chuyến một tuần. Trong tháng 5 và tháng 6.2023, hãng khai thác thêm đường bay nối Cam Ranh với Thượng Hải và Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) với tần suất 3 chuyến/tuần. 

Trong bối cảnh các đường bay quốc tế mới liên tục được bổ sung, công suất chuyến bay đến cả các điểm đến ngắn và dài được dự báo tăng dần trong suốt mùa xuân cho đến mùa hè năm nay. Do đó, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam cũng sẽ tăng dần theo tốc độ hồi phục của hoạt động khai thác hàng không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn