MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du lịch biển đảo đối diện ô nhiễm môi trường, thiếu sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Anh

Du lịch biển đảo đối diện ô nhiễm môi trường, thiếu sản phẩm

THUỲ TRANG LDO | 10/12/2022 12:32

Việc khai thác du lịch biển hiện nay tại các tỉnh thành chỉ dừng ở ven bờ, các hoạt động bổ trợ chưa nhiều. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa yếu, môi trường biển đang bị suy thoái… đang là những thách thức của du lịch biển đảo Việt Nam.

Du lịch biển đảo đã được xác định là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Đà Nẵng 2022, các doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã chỉ ra những thách thức với du lịch biển đảo.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đánh giá, việc khai thác du lịch biển, đảo của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ; các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều; những bất cập về môi trường, về quy hoạch; năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới chưa cao.

 Du lịch biển mới chỉ được khai thác ven bờ nhưng cũng thiếu hạ tầng. Ảnh: Nguyễn Anh

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, tài nguyên du lịch biển đảo của Việt Nam nói chung và của các tỉnh miền Trung nói riêng được đánh giá là đa dạng và phong phú.

Nguồn lực tự nhiên này có thể phát triển trở thành điểm đến du lịch biển, đảo đẳng cấp hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa có đội tàu du lịch biển nào, cơ sở hạ tầng như các cảng tàu du lịch còn rất thiếu thốn. Do vậy, phát triển du lịch biển đảo nói chung và phát triển du lịch tàu biển nói riêng ở Việt Nam trở thành một nhu cầu cấp bách.

Trước thực tế trên, ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, trong phát triển du lịch biển cần quan tâm đặc biệt là bảo vệ môi trường. Không chỉ vậy, mỗi địa phương đều có một thế mạnh riêng, bài toán đặt ra là các tỉnh, khu vực cần xây dựng sản phẩm có tính đặc thù riêng.

Với Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết, hiện nay địa phương đang tập trung triển khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Đà Nẵng sẽ phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, ven vịnh Đà Nẵng, khu vực Bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Kết nối mở rộng không gian du lịch biển, đường thủy nội địa giữa Đà Nẵng với các địa phương Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Bên cạnh công tác đầu tư hạ tầng, xúc tiến điểm đến thì địa phương chú trọng đảm bảo an toàn; môi trường du lịch, phát triển bền vững, chủ động ứng phó kịp thời với những biến động, thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Hiện nay Đà Nẵng đang triển khai Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường giai đoạn 2021 – 2030 trong lĩnh vực du lịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn