MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vở diễn có sự tương tác với du khách tại Công viên Ấn tượng Hội An.

Du lịch Việt cần những sản phẩm sáng tạo và giấc mơ lớn

HOÀNG VĂN MINH LDO | 21/08/2018 06:55
Ngày 18.8 tại Đà Nẵng, Tổng cục Du lịch tổ chức tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo - Góc nhìn từ Công viên Ấn tượng Hội An” nhằm thúc đẩy các sáng kiến phát triển sản phẩm du lịch sáng tạo từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, giới truyền thông và cộng đồng.

“Du lịch sáng tạo”, thuật ngữ còn khá mới để chỉ một loại hình du lịch mà như cách gọi của UNESCO là “thế hệ 3”, để phân biệt với loại hình du lịch thế hệ 1 (du lịch biển, nghỉ ngơi và thư giãn) và thế hệ 2 (du lịch văn hóa, tour du lịch tới các di tích văn hóa, bảo tàng...).

Du lịch sáng tạo hiểu nôm na là loại hình có nhiều hoạt động tương tác với văn hóa bản địa, những hoạt động mang tính giáo dục, cảm xúc với điểm đến, với văn hóa và con người tại đó.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - thì “Du lịch sáng tạo” hay các loại hình sản phẩm mang tính sáng tạo là một trong những hướng đi quan trọng để tổng cục tái cấu trúc ngành du lịch với 6 nhóm vấn đề chính, sau khi Quốc hội thông qua Luật Du lịch và Bộ Chính trị ra Nghị quyết 18 về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn.

Thực tế ở Việt Nam, từ nhiều năm trước và ở nhiều nơi đã xuất hiện sản phẩm du lịch có đặc điểm của du lịch sáng tạo nhưng chưa nhận dạng, định nghĩa là “sản phẩm du lịch sáng tạo”. Ví dụ tour “Một ngày làm cư dân phố cổ” ở Hội An, du khách sẽ sống với gia đình nghệ nhân làng nghề, được hướng dẫn và tự tay làm một chiếc đèn lồng. Ra đồng trồng rau với người nông dân ở làng rau Trà Quế, hoặc thậm chí là được trực tiếp lênh đênh trên sông nước tập chèo thuyền, thả lưới rồi trải qua những bữa cơm cá tự nướng với cư dân làng chài Thanh Nam.

Tương tự, sản phẩm đã định danh “Một ngày làm dân chài” ở làng chài Vung Viêng (Hạ Long) cũng cho khách cơ hội hiểu văn hóa “làng trên nước”, các cách thức kiếm sống và khai thác nguồn lợi từ biển thông qua trải nghiệm bắt cá, các sinh hoạt tinh thần của dân cư làng chài… Tuy nhiên, vì mới chỉ phát triển tự phát, manh mún nên các sản phẩm này bộc lộ không ít hạn chế như chưa khai thác và thể hiện được tính đặc trưng văn hóa vốn có của sản phẩm, vẫn tiềm tàng những hiện tượng đẩy giá cao đối với khách du lịch nước ngoài, chèo kéo khách, bán phá giá… tạo nên diện mạo thiếu chuyên nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, mãi gần đây, Việt Nam mới xuất hiện những sản phẩm du lịch sáng tạo đáp ứng được các tiêu chí: Ý tưởng mới khác biệt, tạo cảm xúc, ấn tượng trong trải nghiệm cho du khách và giá trị gia tăng cao.

Có thể kể đến cầu Vàng Đà Nẵng vừa lọt vào nhóm những cầu đi bộ ấn tượng nhất thế giới đang gây sốt trên mạng xã hội, Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An vừa mới khai trương với điểm nhấn là vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” - một sản phẩm được đầu tư công phu, bài bản, quy mô hoành tráng xuất phát từ một tầm nhìn xa và một giấc mơ lớn - đang nổi lên như một điểm đến “phải đến, phải xem” khi đến Hội An.

Nhiều năm nay, Việt Nam đúng nghĩa là “đang vật lộn” để tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Kinh nghiệm của những sản phẩn du lịch mới, gồm cả sản phẩm du lịch sáng tạo ở Việt Nam và cả thế giới, là thất bại nhiều hơn thành công. Để thành công cần phải có nhiều, rất nhiều sản phẩm được xuất phát từ tầm nhìn và giấc mơ lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn