MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vở diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh

Đưa nghệ thuật Tuồng thành sản phẩm du lịch đặc trưng

Mai Hương LDO | 06/07/2020 11:48

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), tuy gặp nhiều khó khăn, nhất là sau dịch COVID-19, vẫn là một trong những điển hình về sự nỗ lực trong việc tăng sức hút khán giả thông qua thay đổi, vận động sáng tạo với những chương trình hoạt động hấp dẫn.

Là một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền đặc sắc của Việt Nam, được hình thành trên cơ sở ca vũ nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời, Tuồng trở thành một môn nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Ở Đà Nẵng, nghệ thuật Tuồng được hình thành từ khá sớm, mang những màu sắc riêng, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thành phố Đà Nẵng.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức những hoạt động hấp dẫn thu hút khán giả, đưa nhiều hoạt động biểu diễn đến gần hơn với người dân thành phố và khách du lịch. Sau thời gian tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19, nhà hát nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng những chương trình nghệ thuật để phục vụ khán giả.

Vào tối chủ nhật hằng tuần bên bờ đông cầu sông Hàn, các diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vẫn biểu diễn chương trình “Tuồng xuống phố” phục vụ khán giả từ lúc 19h30. Ngoài ra, chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” diễn ra vào lúc 20h00 tối thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần. Cùng với đó, đội ngũ diễn viên nhà hát cũng đang thực hiện tập luyện vở tuồng “Nhân quả”, vở tuồng đầu tiên trong kế hoạch dàn dựng năm 2020 với dàn diễn viên trẻ, tài năng và đam mê. Và tháng 6, nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tổ chức chương trình múa rối “Ngày hè sôi động” cho các bé thiếu nhi.

Bà Nguyễn Thu Hiền - Phó phòng Nghiệp vụ nhà hát cho biết, “sau kỳ nghỉ dịch dài, chương trình đã mang lại cho các bé một ngày vui chơi bổ ích, tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật văn hóa múa rối của Việt Nam”.

Song song với việc gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đang nỗ lực từng bước xây dựng sân khấu thành một địa chỉ văn hóa - du lịch và đưa nghệ thuật Tuồng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Nẵng trong thời gian tới.

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc nhà hát - cho biết, giữa nhiều khó khăn do ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh khiến các hoạt động văn hóa nghệ thuật bị hạn chế, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh không nằm im chịu trận mà cố gắng tự thân vận động, có thể cho ra mắt công chúng nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao.

Hiện nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện chương trình biểu diễn “Hồn Việt” về nghệ thuật truyền thống Việt Nam, trong đó có hòa tấu, độc tấu, điệu múa dân gian, tuồng để phục vụ du khách. Trước đây, mục đích chủ yếu của “Hồn Việt” là phục vụ du khách nhưng sau dịch bệnh, nhà hát thay đổi chiến lược về chương trình nhằm thu hút người dân.

Theo ông Tuấn, từ đầu tháng 6 đến nay, hoạt động của Nhà hát trở lại khá khả quan. Ngoài những chương trình cố định, Nhà hát vẫn biểu diễn khi có đoàn khách, đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với người dân bằng các buổi biểu diễn ở sân khấu ngoài trời nhằm kích cầu du lịch. Ngoài ra, Nhà hát cũng rất tích cực tìm cách đưa nghệ thuật tuồng vào giới thiệu trong trường học. Gần đây, khán giả đến Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khá đông, trong đó có nhiều khán giả trẻ. Vì vậy, định hướng lâu dài sẽ xây dựng phát triển nhà hát với mục tiêu phấn đấu trở thành một trong những nhà hát đầu đàn của nghệ thuật Tuồng Việt Nam.

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được thành lập năm 1967, trong hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, có nhiều thế hệ nghệ sĩ diễn viên, nhạc công có trình độ chuyên môn cao, trong đó có 6 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, 21 người được phong Nghệ sĩ ưu tú. Nhà hát đã lưu giữ được hơn 100 vở tuồng cổ và trích đoạn đặc sắc nhất của nghệ thuật Tuồng Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn