MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim "Tiệc trăng máu" được phát hành trên nền tảng trực tuyến". Ảnh: CMH

Đưa phim Việt lên nền tảng trực tuyến

hương mai LDO | 27/10/2021 06:25

Hai năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền điện ảnh toàn cầu. Trước những khó khăn, nhiều hãng phim lớn trong nước và quốc tế đã buộc phải đổi trong khâu phát hành. Thay vì trung thành với rạp phim truyền thống, họ chuyển hướng phát hành trên nền tảng trực tuyến.

Cơ hội phục vụ khán giả

Nếu như trước kia, khán giả có thường đến rạp xem phim trực tiếp thì nay dịch bệnh đã làm thay đổi thói quen đến rạp xem phim của nhiều khán giả. Điều này đã khiến doanh thu của nền điện ảnh bị ảnh hưởng nặng nề. Tại thị trường Bắc Mỹ, doanh thu năm 2020 ghi nhận giảm 71% so với năm 2019 (theo Variety). Trong khi đó, các cụm rạp tại Hàn Quốc đầu năm 2021 giảm 32% (Theo Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc) hay Trung Quốc giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020 (Dữ liệu của Công ty tư vấn Artisan Gateway).

Trong hoàn cảnh này, nhiều hãng phim lớn đã lựa chọn cách chiếu phim lên nền tảng trực tuyến để phục vụ nhu cầu của khán giả. Hãng Warner Bros công bố 17 phim của họ năm 2021 sẽ ra mắt đồng thời tại rạp và trên dịch vụ trực tuyến. Vừa qua, Walt Disney cũng đã phát hành bom tấn "Black Widow", "Jungle Cruise" tại rạp và trên dịch vụ Disney + đều mang lại tín hiệu khả quan.

Tại Việt Nam, các nhà sản xuất, rạp chiếu cũng chịu ảnh hưởng lớn từ COVID-19 song các nhà làm điện ảnh cũng đã kịp thời nắm bắt xu hướng và bắt đầu tham gia phát hành phim trên nền tảng số. Rất nhiều phim điện ảnh như "Tiệc trăng máu", "Ròm", "Chị chị em em", "Mắt biếc", "Cua lại vợ bầu", "Cô gái đến từ hôm qua", "Lật mặt", "Gái già lắm chiêu", "Chạy đi rồi tính"… đều được công chiếu độc quyền trên từng nền tảng khác nhau. Từ đó, thị trường phim trực tuyến trong nước cũng phát triển nhanh chóng và có những tín hiệu tích cực.

Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông tháng 11.2020 cho biết, Việt Nam có khoảng 35 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trực tuyến, với 14 triệu thuê bao và tổng doanh thu đạt khoảng 9.000 tỉ đồng. Với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến như hiện nay, các nhà sản xuất cho rằng đây là cơ hội để họ có nhiều cách phục vụ khán giả. 

Xây dựng trung tâm phát hành trực tuyến

Có thể nói, phát hành phim trực tuyến là một trong những xu hướng nổi bật hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động lên mọi mặt của kinh tế, xã hội; trong đó văn hóa, giải trí và điện ảnh cũng chịu chung những tác động này. Mới đây, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2649 về việc xây dựng đề án "Trung tâm phát hành phim trực tuyến". Bộ quyết định giao Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp Cục Bản quyền tác giả và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia xây dựng đề án "Trung tâm phát hành phim trực tuyến". Quyết định cũng nêu rõ, kinh phí xây dựng đề án trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa thông tin năm 2021 của Cục Điện ảnh.

Phát hành phim qua các nền tảng trực tuyến là một trong những giải pháp mà nhiều hãng phim áp dụng thời COVID-19. Hình thức phát hành này cũng được cho là góp phần thúc đẩy quảng bá, giới thiệu các sản phẩm phim truyền hình, điện ảnh tới khán giả ở nước ngoài.

Trước đó, với mong muốn đẩy mạnh khai thác kho phim, đưa các tác phẩm điện ảnh Việt Nam đến với đông đảo công chúng, Viện Phim Việt Nam cũng đã thử nghiệm đưa 9 phim Nhà nước đặt hàng lên kênh YouTube, gồm: "Nhà tiên tri", "Nhìn ra biển cả", "Đừng đốt", "Mùa ổi", "Mặt trận không tiếng súng", "Dòng sông hoa trắng", "Lương tâm bé bỏng", "Cuộc đời của Yến" và "Chung cư". Sau 2 - 3 tuần phát trực tuyến, các phim thu hút hàng nghìn lượt xem.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Phim Việt Nam, nếu chỉ để phim nằm trong kho sẽ không phát huy được hiệu quả. Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc thành lập một kênh phổ biến phim trực tuyến về đề tài lịch sử, cách mạng, sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân…

Trong thời gian tới, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch sẽ có hướng dẫn để người dân tiếp cận nhiều hơn những bộ phim Việt Nam, đặc biệt là phim Nhà nước đặt hàng. Hiện tại, số lượng phim trong kho lưu trữ của Viện Phim rất nhiều về số lượng, đa dạng về nội dung, vì vậy không để phim lãng phí trong kho. Thứ trưởng Tạ Quang Đông chỉ đạo, Cục Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam và các đơn vị liên quan cần rà soát, phân loại để đưa phim đến với công chúng theo các chủ đề hữu ích, thiết thực.

Việc chiếu phim trực tuyến đã trở thành một xu hướng có tính toàn cầu, các nhà làm phim Việt Nam cũng đã nắm bắt xu hướng này để mang phim đến với khán giả nhiều hơn, nhất là khi việc đưa phim ra rạp đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sử dụng, phát huy như thế nào cũng là một vấn đề cần nhìn nhận, tính toán cụ thể. 

Bởi vậy, nhiều nhà sản xuất trong nước mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều chính sách, quy định rõ ràng ủng hộ các đơn vị làm phim chiếu phim trên không gian mạng để góp phần đưa điện ảnh Việt hòa chung vào dòng phát triển của điện ảnh thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn