MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sân chơi Nỏ thần được xây dựng giữa khu dân cư ở thị trấn Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Mai Sự

Đưa truyền thuyết vào xây dựng sân chơi văn hoá

Mai Sự - Dương Hương LDO | 17/03/2021 15:04
Không chỉ đơn thuần là nơi vui chơi cho trẻ em, sân chơi Nỏ thần nằm trong dự án “Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam” do Hội đồng Anh và Liên minh Châu Âu đồng tài trợ, phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) thực hiện mong muốn mang lại những giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa...

Kể chuyện lịch sử theo cách sáng tạo

Lấy ý tưởng từ truyền thuyết Nỏ Thần vào thời Nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương, doanh nghiệp xã hội nghĩ về sân chơi trong phố (Think Playgrounds - TPG) đã phối hợp với nghệ sĩ thị giác Ưu Đàm, Hội phụ nữ Đông Anh và cộng đồng dân cư tổ 3 - thị trấn Đông Anh xây dựng sân chơi Nỏ Thần.

Sân chơi nằm cách di tích thành Cổ Loa 5km, được xây dựng với mong muốn đưa lịch sử vào trò chơi, cụ thể là lịch sử Cổ Loa thành, Việt Nam thời Âu Lạc cùng truyền thuyết về nỏ thần, Mỵ Châu - Trọng Thủy. Khi thiết kế sân chơi, TPG và nghệ sĩ Ưu Đàm đã cố gắng tái hiện sống động hình ảnh chiếc nỏ thần khổng lồ cùng những bài học lịch sử. Ví dụ việc phân chia sân chơi thành 4 phần, ẩn hiện tựa như những tàn tích còn lưu lại của từng đoạn Cổ Loa thành thời hiện tại và được đánh giá là một không gian vui chơi mang tính lịch sử, nghệ thuật mới lạ.

Trong quá trình thi công dự án, người dân ở đây trực tiếp tham gia vào các bước, từ lên ý tưởng, thiết kế, hỗ trợ vẽ hình, quét sơn và chính người dân sẽ quản lý, bảo vệ sân chơi sau khi được bàn giao. TPG sẽ duy trì kết nối để hỗ trợ sửa chữa sân chơi nếu bị hư hỏng. Đặc biệt, trẻ em cũng được góp sức từ những việc nhỏ nhặt như vẽ, tô màu… giúp các em có điều kiện tư duy và nâng cao ý thức gắn kết cộng đồng.

Sân chơi Nỏ thần Đông Anh chính thức được đưa vào phục vụ cộng đồng từ ngày 6.3, tổng kinh phí xây dựng khoảng 100 triệu đồng, bao gồm tiền tài trợ của Hội đồng Anh và đóng góp từ cộng đồng. Sau khi khánh thành đã được bàn giao về cho cộng đồng địa phương quản lý để sử dụng lâu dài. Tương tự các dự án của Think Playgrounds như cải tạo không gian công cộng ở Tân Mai, Phúc Tân… nhóm thực hiện vẫn ưu tiên sử dụng những vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường từ gỗ, lốp xe để qua đó, việc giáo dục về lối sống xanh cho trẻ em được thể hiện một cách trực quan, sinh động.

“Hiện nay, một số phụ huynh cho các con chơi trò chơi điện tử, xem tivi, điện thoại quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị lực, sức khỏe. Khi có sân chơi này, các con được tự do vận động, chạy nhảy, hít khí trời, được rèn luyện sức khỏe, tư duy tốt hơn”. Ông Trần Văn Hưởng chia sẻ và nói lên mong muốn thay cho người dân Đông Anh, về việc có thêm nhiều không gian cộng đồng mang nhiều giá trị giáo dục lịch sử như thế được tạo dựng trên địa bàn.

Sân chơi văn hoá bổ ích

Hoạ sĩ Ưu Đàm và tổ chức Think Playground chia sẻ: Ý tưởng sân chơi Nỏ thần được thực hiện với mong muốn trẻ em khi vui chơi như được “sống” giữa truyền thuyết cùng những bài học lịch sử từ câu chuyện nỏ thần thời An Dương Vương, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc với phương châm “Học mà chơi - Chơi mà học”.

Bà Donna McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh khẳng định, sân chơi đáp ứng được mục tiêu của dự án, tạo nên một không gian có ích để trẻ em có thể vừa chơi, vừa học về lịch sử đất nước. Hoạt động này đã góp phần vào việc thực hiện mục đích của dự án là thúc đẩy biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo khắp Việt Nam cũng như mang các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo đến gần hơn với công chúng.

Đánh giá về việc truyền tải yếu tố lịch sử, văn hóa cho trẻ em, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Sân chơi là ý tưởng mới cần được ủng hộ. Trước đây, truyền thuyết, lịch sử thường chỉ được đưa vào chương trình sách giáo khoa và giờ có một sân chơi sáng tạo rất hay và có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, về mức độ hiệu quả của việc truyền tải yếu tố văn hóa, cần phải tiếp tục theo dõi, đầu tư nghiên cứu và rút thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn. Đây mới chỉ là bước đầu, đặt nền móng cho ý tưởng ở vùng đất cổ Đông Anh”.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, mô hình sân chơi Nỏ thần còn hơi đơn giản, việc mô hình hóa hình tượng nỏ thần chưa được thể hiện tốt nhất. Để phát huy tác dụng toàn diện và đi vào đời sống, phải đầu tư thêm một số hạng mục. Bên cạnh việc làm đơn lẻ một chiếc nỏ thần, không gian xung quanh cần thêm hệ thống phù điêu, mô hình hóa những trận đánh, tượng đài các anh hùng thời An Dương Vương… cảm giác hoành tráng sẽ tác động mạnh đến tâm lý và trí nhớ của trẻ em. Nhìn từ xa cũng nhận ra đấy là truyền thuyết về nỏ thần, khi đó mới có thể tôn lên cả một truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc. “Việc phát triển mô hình này còn phụ thuộc vào kinh phí, ý tưởng, quy chế làm việc để sân chơi được xây dựng một cách đồng bộ. Nếu kinh phí chưa đáp ứng kịp thì có thể bổ sung thêm các hạng mục theo từng năm, từng giai đoạn cho đến khi hoàn thành”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn