MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cảnh trong phim Dune: Hành tinh cát. Ảnh do CGV cung cấp

Dune (2021), thế giới cát và siêu phẩm còn dang dở…

Bùi Trí Hiếu (nhà phê bình điện ảnh) LDO | 03/12/2021 10:39

“Dune” (tựa Việt: Dune: Hành tinh cát) công chiếu sớm tại Liên hoan phim Venice ngày 3.9 và đã nhận được tràng vỗ tay hưởng ứng trong suốt 8 phút. Bộ phim trở thành một chứng tích của các khán giả giữa cũ và mới, những người được trải nghiệm niềm yêu thích thuở thơ ấu và những người bất ngờ trước vẻ đẹp của một tác phẩm cũ chưa từng được biết đến. Phim ra rạp trên toàn thế giới lần đầu tiên vào ngày 21.10 tại Mỹ và sẽ ra mắt tại Việt Nam theo dự kiến vào ngày 10.12 sắp tới.

“Dune” dù mới chỉ là phần 1, được đánh giá là một bộ phim đầy ấn tượng của sức mạnh hình ảnh và nghệ thuật. Dưới bàn tay của đạo diễn Denis Villeneuve, người đã tạo nên “Blade Runner 2049” (2017) và dành chiến thắng giải Oscar năm 2018 với hạng mục Quay phim xuất sắc nhất và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất, “Dune”  hiển nhiên đã chiếm trọn tình yêu của khán giả chỉ trong lần đầu ra mắt. Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của tác giả người Mỹ Frank Herbert (1920-1986), “Dune” đã trải qua một hành trình dài để một lần nữa đặt chân lên màn ảnh và truyền tải hết ý nghĩa của nó.

Cái bóng trải khắp các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng

Trước khi khán giả được thưởng thức “Dune” theo đúng nghĩa điện ảnh, bóng dáng của nó đã len lỏi khắp các tác phẩm nổi tiếng ngày nay mà không mấy người để ý như “Game of Thrones” hay “Blade Runner”… Nhưng nổi tiếng nhất trong số đó là phim đầu tiên của loạt phim “Star Wars”(1977) của đạo diễn George Lucas. Tất cả những yếu tố tạo nên bộ phim thành công nhất lịch sử điện ảnh Mỹ đều được ‘góp nhặt’ từ những phần hay nhất của hành tinh Arrakis trong tiểu thuyết “Dune” như: Sa mạc, sâu cát, những bộ lạc du mục, những sinh vật ngoài hành tinh, hương dược, sức mạnh điều khiển tâm trí, nhân vật chính - kẻ được vận mệnh lựa chọn, đế chế liên hành tinh độc ác… Có thể nói George Lucas thành công hơn chỉ vì được ra phim trước và may mắn là cha đẻ của “Dune”  đã không kiện ông do ‘trộm’ hầu hết các ý tưởng đó. Nhiều người cho rằng “Chiến tranh các vì sao” đã trở nên quá thành công để có thể bị kiện; đến nỗi nó đã thay đổi cách nhìn của cả một thế hệ về thể loại phim khoa học viễn tưởng. Hơn nữa, George Lucas đã thực sự là một nhà làm phim rất thành công trong khi Frank Herbert sẽ mãi là một tiểu thuyết gia xuất sắc dù rằng ông rất muốn “Dune” được trở thành phim.

Thế giới cát, trung tâm quyền lực của vũ trụ

Những người lần đầu xem “Dune” mà chưa từng đọc tiểu thuyết sẽ thắc khá nhiều chi tiết chưa được giải thích trên phim. Ngắn gọn mà nói, tâm điểm của cả vũ trụ trong “Dune” là sở hữu quyền khai thác ‘melange’ hay ‘hương dược’. Đây là một sản phẩm đặc biệt dạng cát chỉ có duy nhất tại hành tinh Arrakis. Hương dược có tác dụng khiến người sử dụng có khả năng bẻ cong không gian và dịch chuyển tức thời từ nơi này đến nơi khác trong vũ trụ. Hơn thế, kẻ sử dụng nó sẽ có khả năng trường thọ cũng như gia tăng năng lực tâm trí. Tuy nhiên, một khi sử dụng chúng quá nhiều sẽ gây ‘nghiện’ và một khi đã ‘nghiện’ nếu không tái sử dụng thuốc sẽ phải bỏ mạng. Do đó, rất nhiều kẻ quyền quý đầy quyền lực cần thứ nguyên liệu này để tiếp tục tồn tại và nắm giữ địa vị của mình. Vậy nên hành tinh Arrakis sẽ mãi mãi bị giữ nguyên trạng mặc cho người dân bản địa phải sống mòn vì thiếu nước và hoang mạc khô kiệt. Và kẻ nào nắm quyền sở hữu Arrakis sẽ nắm quyền chi phối cả vũ trụ.

Đội ngũ quay phim ấn tượng và dàn diễn viên đình đám

Với ngân sách 165 triệu USD, “Dune” thực sự được ưu ái khi đã ‘tuyển’ được đạo diễn xuất sắc Denis Villeneuve, nhân tố tạo nên nền tảng vũ trụ đậm chất nghệ thuật và một dàn sao nổi tiếng như: Timothée Chalamet (diễn vai nhân vật chính Paul Atreides), Oscar Isaac, Rebecca Ferguson, Josh Brolin, Jason Momoa, Stellan Skarsgard, Javier Bardem, Zendaya. Hầu hết đều tham gia vì ‘ngưỡng mộ’ tiểu thuyết “Dune”, thậm chí nhạc sĩ nổi tiếng Hans Zimmer cũng không là ngoại lệ. Đây là điều an ủi phần nào cho Frank Herbert dù ông không còn cơ hội được chiêm ngưỡng đứa con tinh thần của mình rực rỡ bên trong rạp chiếu.

Sự thành công của “Dune” thực sự đến từ Denis Villeneuve bởi ông đã mang chuyên viên tài giỏi nhất đã từng cùng ông hoàn thành “Blade Runner 2049” bao gồm Patrice Vermette, Joe Walker và Gerd Nefzer. Nhờ đó, chất lượng hình ảnh của “Dune” vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp trong gam màu tối của “Blade Runner 2049” được thể hiện qua những thiết kế nội thất kỳ lạ khép kín, những mảng hình học lớn liền kề, sự lập lòe giữa sáng-tối… Chúng vô tình lại thật sự phù với “Dune” trong bối cảnh ngoài hành tinh. Không những thế, nó còn vượt lên trên cả Alejandro Jodorowsky và David Lynch. Cả hai đạo diễn đều thất bại chuyển thể “Dune” lên màn ảnh vào năm 1976 và 1984, từ đó tạo nên tai tiếng “lời nguyền” không thể thành phim cho chính tác phẩm này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn