MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh của Đoàn Xuân Tùng.

“Em chào các bác” – Triển lãm về những mảnh đời di dân

NGỌC HÀ LDO | 23/02/2019 06:30

Diễn ra từ ngày 20.2 đến ngày 12.3 tại Hà Nội, triển lãm tranh “Em chào các bác” của Đoàn Xuân Tùng và Nguyễn Nghĩa Cương thể hiện góc nhìn về cuộc sống của những người di dân giữa phố thị đông đúc, huyên náo.

Ngay từ tên gọi “Em chào các bác” đã tạo cảm giác đa nghĩa, vừa mộc mạc, chân chất, vừa chiêm nghiệm, châm biếm nhẹ nhàng. Đó là lời chào của những con người từ miền quê lên thành phố tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Hoặc có thể hiểu đó là lời chào của họ dành cho người ở lại sau quãng thời gian lăn lộn kiếm sống, họ vẫn không thích nghi được với môi trường mới và quyết định rời đi.

Hay hiểu theo chiều hướng ngược lại, những người có nguồn gốc thị thành đã mệt mỏi với nhịp sống tấp nập, họ tìm về nơi trong lành, yên bình hơn, lời chào gửi lại những tòa nhà chọc trời và phố xá khói bụi.

Tranh của Đoàn Xuân Tùng. 

Những bức tranh trong triển lãm tự thân đã mang ngôn ngữ đặc biệt, có khả năng bộc bạch, tâm sự những câu chuyện riêng tư đến người xem, từ đó phổ quát bức tranh xã hội đương đại.

Tranh của họa sĩ trẻ Đoàn Xuân Tùng phản ánh cuộc sống cực nhọc, thiếu thốn, chen lấn của những người lao động địa vị thấp cùng những khao khát thầm kín của họ coi thành phố như một người đàn bà đẹp, kiêu kỳ mà họ muốn tiếp cận nhưng không thể.

Tranh của Nguyễn Nghĩa Cương.

Còn tranh của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương lại thể hiện góc nhìn khác. Anh không nuối tiếc cuộc sống ở thành thị và sẵn sàng chọn về quê với thái độ bình thản, dí dỏm.

Các tác phẩm với chất liệu, kích thước, cách bài trí khác nhau cùng nhau tạo nên hành trình từ quê ra tỉnh, từ tỉnh về quê của con người. Hai dòng biểu tượng “Quê” và “Tỉnh” tuy đối lập nhưng đan xen, hỗ trợ nhau khiến cho người xem đặt ra nhiều câu hỏi về môi trường sống, sự giao thoa văn hóa và những biến chuyển trong tâm lý.

Tranh của Nguyễn Nghĩa Cương.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn