MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ga Đà Lạt từ công trình độc đáo đến cách khai thác bình dân

Hồng Sơn LDO | 01/05/2020 11:35

Ga xe lửa Đà Lạt - nhà ga cổ nhất Đông Dương còn có thêm nhiều kỷ lục: Nhà ga cao nhất, độc đáo nhất; đầu tàu chạy bằng hơi nước duy nhất chỉ có ở Đà Lạt... Và đây cũng là nhà ga duy nhất khu vực Tây Nguyên.

Hình dáng nhà ga xe lửa Đà Lạt có 3 chóp nhọn, tượng trưng cho núi Lang Biang hùng vĩ – đỉnh núi cao nhất vùng, với chiều dài 66,5m; chiều ngang 11,4m và chiều cao 11m.

Nhà ga có 3 chóp nhọn, tượng trưng cho núi Lang Biang hùng vĩ.

Đây là một trong những nhà ga được người Pháp xây dựng từ năm 1908, đến năm 1932 hoàn thành và được đánh giá là nhà ga đẹp nhất Đông Dương.

Bên đường ray hiện nay được trồng nhiều hoa phục vụ du lịch. Ảnh: Hồng Sơn

Vào thời điểm bấy giờ, đường sắt răng cưa và đầu máy răng cưa ở đây được cho là độc đáo nhất thế giới, chỉ có ở Thuỵ Sỹ và Việt Nam có. Điều này góp phần lượng du khách đến với thành phố du lịch và nghỉ dưỡng ngày càng nhiều, là một động lực phát triển thành phố Đà Lạt.

Nhà ga thu hút nhiều khách trong và ngoài nước tham quan cũng như trải nghiệm chuyến tàu cổ. Ảnh: Hồng Sơn

Năm 1972,  đường sắt răng cưa thì bị phá huỷ bởi chiến tranh. Năm 1975, đất nước thống nhất, tuyến đường sắt lại được khôi phục và hoạt động trong một thời gian ngắn thì ngưng hẳn do hiệu quả kinh tế kém.

Từ năm 1980 tới năm 2004, ngành đường sắt Việt Nam dần dần cho tháo dỡ hệ thống đường ray của tuyến này. Tuy nhiên, với kiến trúc công trình hài hoà với thiên nhiên và là một điểm nhấn đô thị độc đáo, ga Đà Lạt được công nhận là di tích lịch sử – kiến trúc Quốc gia ngày 28.12.2001.

 Nhiều du khách lưu lại khoảnh khắc bên xe lửa cổ. Ảnh: Hồng Sơn

Nhà ga hiện đang là điểm tham quan du lịch hấp dẫn của thành phố Đà Lạt. Tuyến đường sắt duy nhất hiện nay nhà ga còn phục vụ chính là tuyến Thành phố Đà Lạt – Trại Mát dài 7 km đưa du khách đến với Trại Mát và chùa Linh Phước – TP Đà Lạt. Ngoài ra, nhà ga khai thác một số dịch vụ ăn uống, mua sắm đồ lưu niệm cho khách.

Mỗi năm Ga Đà Lạt đón khoảng 3 triệu lượt khách tham quan, riêng dịp tết Canh Tý vừa qua, đón khoảng 20 ngàn lượt khách. Nhưng do không quy hoạch bài bản, có những chỗ các chủ hàng quán cơi nới, sử dụng xả nước thải gây mùi hôi, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến vẻ đẹp di tích cấp Quốc gia này.

Các chủ hàng quán cơi nới, sử dụng xả nước thải tại Ga. Ảnh: Hồng Sơn

Đây là một tuyến đường độc đáo về thiết kế trong lịch sử đường sắt Việt Nam. Tuyến đường này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế từ du lịch và thương mại. Việc ngồi trên tàu lửa leo đèo, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cao nguyên Lang Biang và tận hưởng khí hậu trong lành nơi đây đặc biệt hấp dẫn du khách.

Cùng ngắm đoạn đường sắt răng cưa được phục hồi. Ảnh: Hồng Sơn

Hiện đang có một dự án khôi phục tuyến đường sắt lịch sử xưa, với những thông số kỹ thuật tương tự trước đây, trong đó có cả việc khôi phục hệ thống đường sắt răng cưa.

Theo đó, tuyến đường sắt mới cũng sẽ dài 84km, đặc biệt là trong đó vẫn có hai đoạn răng cưa 14km có độ dốc 120 phần nghìn vượt đèo Sông Pha; đi qua 5 hầm; khổ đường 1m…

Theo kỳ vọng của ngành đường sắt Việt Nam, việc khôi phục tuyến đường sắt răng cưa duy nhất của Việt Nam sẽ đem lại những giá trị to lớn về cả kinh tế lẫn văn hóa. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn