MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trẻ em vùi đầu vào những game khủng bố, giết người sẽ mang lại nhiều hệ luỵ cho xã hội. Ảnh HĐ

Game online độc hại: Con chơi cả ngày, phụ huynh bất lực

Bằng Linh LDO | 13/07/2021 12:33
Dịch COVID-19 khiến học sinh phải nghỉ học, ở nhà dài ngày. Đây chính là khoảng thời gian khó kiểm soát để rồi không ít trẻ em vùi đầu vào game online trong sự bất lực của phụ huynh. Bộ TTTT đang sửa Nghị định 72/2013 theo đó bắt buộc nhà cung cấp phải có giải pháp để khống chế thời gian của người chơi game, đặc biệt là trẻ em dưới 18 tuổi.

“Vì game online, tôi như sắp mất con mình…”

Chị Hoàng Minh Hoa, 39 tuổi ở Thanh Xuân (Hà Nội) gần đây nhận thấy Minh - cậu con trai mới 12 tuổi của mình có những thay đổi khác thường. Trước đây, Minh hoạt bát vui vẻ, giờ đây trầm lắng, gương mặt thất thần và ít giao tiếp với bạn bè và cả người thân trong nhà.

Tưởng con mình chỉ bị ảnh hưởng “hội chứng tiền dậy thì” cho đến một hôm, chị Hoa trở về nhà giữa buổi bắt gặp cậu con trai đang say sưa cắm mặt vào máy tính và chơi một trò như bắn súng với những hình ảnh máu me, ghê rợn.

Nhiều bậc cha mẹ bất lực trước chứng nghiện game của con. Ảnh minh hoạ

Gặng hỏi thì cậu con trai thú nhận, hễ mẹ đóng cửa đi làm thì cậu lao vào máy tính để chơi game, quên cả ăn. Thậm chí có hôm, Minh còn chờ bố mẹ ngủ say để “luyện game”.

Quá sốc, chị Hoa quyết định cắt internet nhưng Minh như một con nghiện tìm đủ mọi cách để được chơi game như mượn điện thoại của ông, bà hay nói dối đến nhà bạn học để thoả mãn thú chơi. Nếu không được như ý là Minh cáu bẳn, vùng vằng hoặc ngồi một chỗ thẫn thờ như kẻ mất hồn.

“Tôi cảm giác như mình sắp mất con rồi- chị Hoa nói trong nước mắt- tôi thật sự bất lực…”

Câu chuyện của gia đình chị Hoa rất điển hình hiện nay khi mà hầu hết trẻ em không đến trường, cũng ít được đi chơi, du lịch (do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) và bị nhốt ở nhà. Các em tìm đến trò chơi điện tử như một cách để giải trí nhưng lại không có ai kiểm soát thời gian và nội dung của game.

Nhưng chị Hoa vẫn còn may mắn bởi hệ luỵ của trò chơi điện tử trực tuyến đã mang đến những câu chuyện đau lòng.

Một năm trước, cuối tháng 6.2020 ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), cháu Đ (5 tuổi) sau 2 ngày mất tích được tìm thấy đã tử vong trong tình trạng 2 tay bị trói, bịt miệng trong rừng cách nhà khoảng 10km.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định, H (17 tuổi), một nam sinh lớp 11 là hàng xóm của cháu Đ, được xác định là nghi phạm chính trong vụ án.

H thừa nhận việc bắt cóc cháu Đ rồi giấu vào trong rừng giống như nội dung một trò chơi điện tử. H sẽ đóng vai đi tìm kiếm và đưa cháu về như một cách lập công cho gia đình để nhận thưởng. Tuy nhiên, do lo sợ nên H đã không đưa cháu bé về, dẫn đến cái chết thương tâm của cháu bé ở trong rừng.

Từ một cậu thanh niên, H trở thành kẻ sát nhân chỉ vì game trực tuyến đó không chỉ là một lời cảnh báo bởi đã có rất nhiều vụ án mạng xảy ra mà thủ phạm lại là những thanh thiếu niên “ở nhà cháu rất ngoan hiền” nhưng vì học theo game, hoặc để có tiền chơi game đã ra tay giết người.

Hoặc mới đây, vào tháng 3.2021, công an An Giang đã khởi tố, bắt tạm giam B.T.N (SN 2005) vì nghiện game đã ra tay giết người, giấu xác để có tiền chơi game.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức bổ sung chứng nghiện game là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD). Theo WHO, nghiện game là một bệnh về tâm thần. Theo thống kê của WHO, có tới 70 - 80% trẻ em từ 10 đến 15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện chiếm khoảng 10 - 15%.

Ở Việt Nam chưa có con số chính thức nào về tỉ lệ nghiện game online và những tác động, hệ luỵ của nó gây ra với gia đình, xã hội.

Dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút/ngày

Tại tờ trình sửa đổi Nghị định 72/2013, Bộ TTTT cũng nhận định, những năm gần đây, game xuyên biên giới không có phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play đã gây thiệt hại lớn cho thị trường game Việt Nam (doanh thu từ game lậu chiếm khoảng 30% doanh thu toàn thị trường game Việt Nam). Bên cạnh đó có xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác làm trung gian thanh toán cho các trò chơi không phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play.
Nhiều game lậu còn khuyến khích người chơi thâu đêm bằng những gói khuyến mại. Ảnh HĐ

Trong số các game lậu này đa số là các trò chơi độc hại, bạo lực, đánh bạc hoặc có hình ảnh trái thuần phong mĩ tục.

Để quản lý nội dung game và đặc biệt là quản lý thời gian chơi game, Bộ TTTT đã xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng mà Bộ TTTT.

Theo đó, chỉ cấp phép đối với các game không có các hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ miêu tả cụ thể các hành động như: Khủng bố, giết người, tra tấn người, ngược đãi, xâm hại, buôn bán phụ nữ và trẻ em; kích động tự tử, bạo lực; khiêu dâm, dung tục, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử; vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ; sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc lá; đánh bạc và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác.

Đặc biệt Dự thảo Nghị định yêu cầu hệ thống thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc phát hành và quản lý trò chơi trên mạng phải có giải pháp quản lý thời gian chơi của người chơi từ 00h00 đến 24h00 hàng ngày, đảm bảo mỗi người chơi từ 18 tuổi trở lên chỉ được chơi 180 phút 1 ngày đối với từng trò chơi; đối với người chơi dưới 18 tuổi, bảo đảm tổng thời gian chơi tất cả các trò chơi không quá 180 phút.

Gam online có lợi hay hại? Có cần thiết phải khống chế thời gian chơi game cho trẻ em hay không? Trường hợp trong gia đình bạn thế nào?

Hãy bày tỏ quan điểm của mình qua phần bình luận dưới bài viết, những bình luận phù hợp sẽ sớm được đăng tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn